Bệnh đái tháo đường gia tăng, thủ phạm có phải từ bát cơm trắng?
Gia tăng đái tháo đường
Tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, đái tháo đường đang tăng theo cấp số nhân ở Việt Nam. Hiện nay, cả nước có khoảng 3,5 triệu người mắc đái tháo đường. Trong khi đó mới chỉ có khoảng 40% người bệnh được theo dõi và điều trị. Còn lại 60% mang bệnh đái tháo đường mà không biết mình đang có bệnh. Đái tháo đường là căn bệnh của xã hội hiện đại.
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nhiều bệnh nhân khi bị các biến chứng nặng vào viện mới biết mình mang bệnh đái tháo đường từ bao giờ nhưng không biết.
Cụ thể, trường hợp của bà Cao Thị Hà (Thanh Oai, Hà Nội) là điển hình. Bà Hà gầy guộc, sống độc thân. Cách đây 1 tháng, bà Hà dẫm phải mảnh thuỷ tinh do vỡ bóng đèn. Từ đó, vết loét cứ chảy dịch dần nhưng bà không cảm nhận được đau đớn như thế nào.
Bà Hà đến bệnh viện đa khoa Hà Đông khám mới biết mình bị đái tháo đường. Đến bệnh viện Nội tiết Trung ương, vết thương của bà Hà đã ăn sâu hoắm vào tận gan bàn chân. Bà Hà được bác sĩ dẫn lưu dịch và điều trị tổn thương bàn chân. Nếu chậm trễ, bác sĩ cho biết bà có nguy cơ cắt cụt chân.
Không riêng gì bà Hà, ông Đỗ Văn Thắng (Hà Nam) lên viện vì nhiễm toan ceton nặng. Trước đó ông không biết mình bị đái tháo đường. Khi nhập viện cấp cứu, ông Thắng trong tình trạng choáng, tri giác suy giảm, trướng bụng, khó thở, mệt, nôn mửa nhiều lần. Với những triệu chứng ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ ông Thắng bị viêm ruột cấp hoặc viêm tụy cấp.
Tuy nhiên, qua thăm khám cũng như kết quả xét nghiệm cho thấy ông Thắng có hàm lượng đường trong máu rất cao (định lượng Glucose lên đến 37.95 mmol/L trong khi trị số bình thường từ 3.88-5.55 mmol/L).
Các kết quả kiểm tra thêm sau đó phát hiện rối loạn rất nhiều chức năng của cơ thể: Cô đặc máu, máu bị tình trạng acid hóa (toan hóa) nặng, suy thận, rối loạn điện giải. Các bác sĩ cho biết trường hợp này nếu không điều trị kịp thời có thể hôn mê, tử vong.
Không phải do ăn nhiều cơm
Bác sĩ Nguyễn Huy Cường, nguyên bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết đái tháo đường chưa xác định rõ nguyên nhân.
Hiện nay bệnh được xếp do nhiều yếu tố nguy cơ kết hợp như tuổi tác, lối sống ít vận động, tình trạng kháng insulin, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đa nang buồng trứng, stress, nhiễm độc, đẻ con to do mắc tiểu đường khi có thai, gen gây bệnh và cả những nguyên nhân mà lúc này đây khoa học còn chưa biết hết.
Bác sĩ Cường cho biết đái tháo đường tuýp 2 được xem là bệnh nguy hiểm vì bệnh phát triển âm thầm không ai phát hiện ra bệnh, dấu hiệu cũng mù mờ. Nhiều người cho rằng phải đi tiểu nước tiểu có kiến bu mới là đái tháo đường nhưng thực tế đây là quan niệm sai lầm.
Hoặc quan niệm ăn nhiều đường ngọt gây đái tháo đường cũng không đúng. Hiện nay, người dân Việt lại sợ cơm trắng vì họ cho rằng cơm trắng có thể gây đái tháo đường tuýp 2. Thực chất, hoàn toàn không đúng.
Bản chất của gạo trắng làm sạch hết phần vỏ trấu của gạo đi rồi nên nhiều tinh bột hơn, gạo trắng chứa năng lượng cao nên người ta cho rằng nó là thủ phạm gây đái tháo đường tuýp 2 nhưng không đúng.
Người dân trước đây ăn rất nhiều cơm thậm chí ở các vùng nông thôn họ ăn 4, 5 bát cơm/bữa là bình thường nhưng tỷ lệ đái tháo đường rất ít, thậm chí là hiếm.
Còn hiện nay hoàn toàn ngược lại. Hay như ở thành phố, người dân ăn ít cơm trắng nhưng vẫn bị đái tháo đường. Chính vì thế, bác sĩ Cường cho rằng nguyên nhân gây đái tháo đường lại là thừa cân, béo phì, ăn nhiều năng lượng. Trong khi đó lại lười vận động.
Thói quen ăn các chất giàu năng lượng, cộng với lối sống tĩnh tại, ít vận động gây nên tình trạng tích mỡ thừa gây rối loạn chuyển hoá, giảm khả năng thu nhận các phân tử đường của tế bào làm cho tuyến tụy nội tiết phải làm việc mạnh hơn, tiết ra nhiều insulin hơn để giúp cho các phân tử đường thâm nhập vào tế bào.
Chính vì thế, bác sĩ Cường nhấn mạnh phòng đái tháo đường không phải là bỏ ăn cơm mà xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động để tiêu hao năng lượng dư thừa tránh tình trạng thừa cân béo phì. Không nên sợ đái tháo đường mà bỏ cơm, bỏ các chất tinh bột khác.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không ngờ. Tuy nhiên, đội như thế nào, chất liệu mũ ra sao cũng cần đặc biệt chú ý.
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn so với các nước Âu Mỹ nhưng tỷ lệ gãy xương lại tương đối thấp.
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được. Tuy nhiên, bạn luôn có thể ngăn chặn điều đó. Với mẹo tránh 7 sai lầm trong chế độ ăn uống dưới đây sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nhé!