Biểu hiện bệnh tay chân miệng ở trẻ

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể tạo thành dịch lớn, gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi và đa số trẻ sẽ tự khỏi sau 7 – 10 ngày chăm sóc tại nhà.

Bệnh được chia thành 2 cấp độ. Khi trẻ bị bệnh ở cấp độ 1 sẽ xuất hiện một số triệu chứng như bỏ ăn, chảy nước miếng, đau miệng, khóc nhiều do bóng nước xuất hiện trong miệng và vỡ ra gây những vết loét và kèm theo sốt nhẹ. Bóng nước còn lan rộng và xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và ấn vào không đau.

Trẻ bị tay chân miệng sẽ xuất hiện bóng nước trong miệng, tay chân và vùng mông gối. Ảnh internet. 

Khi thất trẻ bắt đầu sốt liên tục hơn 2 ngày và trên 39 độ kèm nôn ói, tay chân yếu, người run, thở mệt, mạch sờ không thấy hay đập quá nhanh thì đây là dấu hiệu bệnh đang bắt đầu trở nặng hơn và tiến đến cấp độ 2. Trong trường hợp này cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám kịp thời.

Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách

Hầu hết phụ huynh thường lo lắng khi con trẻ nổi mụn nước nhiều, nhưng theo kinh nghiệm của BS Khanh thì trẻ nổi mụn nước nhiều sẽ cho thấy bệnh nhẹ hơn nổi ít mụn. Ngoài ra, cha mẹ cũng không cần thiết bôi thuốc xanh lên các mụn nước của con, vì thuốc cũng không có tác dụng mà còn khiến bác sĩ gặp khó khăn hơn trong quá trình thăm khám.

Trẻ bị tay chân miệng không cần thiết phải bôi thuốc xanh lên mụn nước. Ảnh internet. 

Nếu viêm loét miệng ở trẻ không nhiều và không gây ra tình trạng bội nhiễm thì cũng không cần dùng đến kháng sinh. Ép trẻ uống vitamin cũng là điều không cần thiết bởi trẻ bị đau miệng uống vào sẽ thêm đau.

Nếu trẻ than đau do vết loét miệng, cha mẹ có thể dùng gói grangel để vào ngăn mát tủ lạnh rồi cho trẻ ngậm hay chấm vào vết loét sẽ giảm đau hiệu quả. Ngoài ra, bạn nên làm nguội thức ăn hoặc làm mát trước khi đưa cho trẻ để không làm các vết loét của trẻ trở nên đau rát hơn.

Ở cấp độ 1, trẻ hoàn toàn có thể điều trị tại nhà dưới sự tham khảo ý kiến từ các bác sĩ chuyên khoa. Nếu bệnh trở nặng lên cấp độ 2, trẻ bắt buộc phải theo theo dõi trong bệnh viện để tránh những biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, suy tim cấp, phù phổi, ngừng tuần hoàn.

Phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ như thế nào?

Theo Ths.Bs Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay vẫn chưa có vắc xin đặc hiệu phòng bệnh. Cha mẹ cần có những biện pháp chủ động phòng bệnh cho con trẻ ngay tại nhà.

Vệ sinh chính là yếu tố hàng đầu để phòng bệnh cho trẻ. Cha mẹ và trẻ nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước và sau khi ăn. Với trẻ nhỏ, người thân trong nhà cần lưu ý rửa tay sạch trước khi muốn ẵm bế và thay tã, vệ sinh cho trẻ.

Vệ sinh chính là yếu tố hàng đầu trong phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ. Ảnh internet. 

Thực hiện tốt vệ sinh trong ăn uống, đảm bảo nguyên tắc ăn chín, uống sôi. Các vật dụng ăn uống cũng cần phải được làm sạch trước khi sử dụng, nếu cần thiết thì nên ngâm tráng qua nước sôi.

Không cho trẻ ăn bốc, ngậm mút tay hay các đồ vật xung quanh. Cha mẹ thường xuyên lau sạch các dụng cụ, bề mặt tiếp xúc hàng ngày với trẻ như mặt bàn, ghế, đồ chơi. Sàn nhà, đặc biệt là phòng ngủ của con nên được lau bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Người nhà cần xử lý chất thải bằng dung dịch chroramin B trước khi đi vào hệ thống thải chung.
Không cho trẻ tiếp xúc với trẻ khác đang bị bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Nếu con bị nhiễm bệnh thì cần được cách ly và chăm sóc tại nhà ít nhất 10 ngày trước khi cho trẻ đi học lại.

Khi trẻ nhập viện, cha mẹ nên hạn chế tối đa người nhà vào thăm bệnh, vì người thân có thể sẽ mang mầm bệnh ra cộng đồng. Tuyệt đối không mang các vật dụng, đồ chơi của trẻ từ bệnh viện về nhà khi chưa được tiệt trùng kĩ càng.