Mới đây, trên các trang mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại hình ảnh tranh giành con  nhỏ mặc đứa bé gào khóc, giãy giụa đòi theo mẹ sau một phiên tòa ly hôn khiến người xem không khỏi đau lòng, xót xa cho cháu bé.

Hình ảnh và thông tin trên các trang mạng xã hội.

Được biết, một cặp vợ chồng ở Thái Bình đã có 2 con chung nhưng do mâu thuẫn không thể hàn gắn, họ ra Tòa ly hôn. Tòa phán quyết con gái lớn theo mẹ và con trai nhỏ khoảng 7 tuổi sẽ theo bố.

Trao đổi với PV Infonet về vấn đề nêu trên, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

Xét về hậu quả pháp lý, việc ly hôn chỉ làm chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng nhưng không đương nhiên làm chấm dứt quan hệ cha, mẹ và con, bởi lẽ quan hệ cha mẹ và con không hình thành dựa vào quan hệ, tình trạng hôn nhân giữa cha mẹ.

Khi ly hôn, giữa cha, mẹ và con vẫn tồn tại các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Tuy nhiên, do quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng chấm dứt nên kéo theo sự thay đổi nhỏ: con cái sẽ không thể ở chung cùng cha mẹ trong một nhà như trước kia.

Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định, vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi, căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.

Cảnh bé trai gào khóc giãy giụa chạy trốn bố.

“Những hình ảnh trong đoạn clip được ghi lại trên khiến cho cá nhân tôi cũng như những người đã làm cha mẹ nói chung không khỏi đau lòng và xót xa.

Theo thông tin được chia sẻ, sau khi phiên toà ly hôn kết thúc, bé trai được giao cho người bố nuôi dưỡng.

Như vậy, có thể trước đó vợ chồng đã thoả thuận được người trực tiếp nuôi con là người bố. Hoặc do việc thoả thuận không thành, Toà án đã căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của bé trai để quyết định giao cho người bố nuôi dưỡng.

Theo thông tin chia sẻ trên mạng xã hội thì bé trai 7 tuổi, nhưng không nói rõ, chính xác là đã đủ 7 hay chưa. Nếu đã đủ 7 tuổi trở lên, bé có thể bày tỏ nguyện vọng được sống cùng cha hoặc mẹ tại phiên toà ly hôn. Việc lấy ý kiến của con cái là cần thiết khi cha mẹ ly hôn.

Ly hôn có thể là cách để giải quyết, chấm dứt mâu thuẫn giữa vợ và chồng, nhưng chính điều này vô hình trung lại khiến cho những đứa con rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và sợ hãi, đó chính là lúc chúng bị mất đi điểm tựa quan trọng nhất: mái ấm gia đình – nơi hình thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách của một con người, có hệ luỵ đối với sự phát triển của tâm sinh lý đứa trẻ sau này.

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện hành, “nguyện vọng” của con từ đủ 7 tuổi trở lên không phải là yếu tố quyết định đứa trẻ này sẽ được giao cho ai nuôi dưỡng, mà chỉ là điều kiện để Toà án “xem xét”, dẫn đến thực tế, con có thể có nguyện vọng ở với mẹ nhưng Toà lại quyết định giao cho bố và ngược lại.

Để có thể thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, cha, mẹ hoặc một số cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có thể gửi yêu cầu đến Toà án.

Song, ngoài điều kiện về người yêu cầu thì cũng cần đáp ứng được một số điều kiện được quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 để thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”, luật sư Hoàng Tùng phân tích.