Chấn thương đùi do vỡ kiệu nước

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi nam N.T.T.A (6 tuổi, quận Bình Thủy, Cần Thơ) cấp cứu trong tình trạng chấn thương chân trái do tai nạn sinh hoạt.

Theo lời kể, trước khi nhập viện khoảng 5 tiếng, bé A. đang rửa tay bằng vòi nước được khoan gắn vào cái kiệu chứa nước cao 1m thì sơ ý vấp vào 1 vòi nước khác được gắn thấp hơn làm bé té ngã. Lúc này, kiệu nước cũng vỡ ra và các mảnh vỡ rơi ghim và đè vào chân trái của bé.

Bé A. không may vấp phải vòi nước khiến kiệu nước bị vỡ gây chấn thương - Ảnh: BVCC

Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị thương gối trái, cẳng chân trái, gãy đầu dưới xương đùi trái và tiến hành phẫu thuật cắt lọc làm sạch vết thương, khâu nối gân cơ bụng chân, cầm máu và bó bột cố định chân trái.

Hiện tại, sức khỏe bệnh nhi đã bình thường, tỉnh táo, có thể cử động các ngón chân tốt. 

Cách xử trí khi trẻ gặp tai nạn tại nhà

Bác sĩ CKII Phạm Nguyễn Yến Trang, Phó Trưởng khoa Nhi bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, cho biết khi xảy ra tai nạn phụ huynh cần bình tĩnh, nhanh chóng đến tiếp cận, trấn an trẻ và hô to gọi người đến giúp.

"Khi thấy vết thương có máu chảy nhiều, phụ huynh cần nhanh chóng dùng băng hoặc vải sạch sẵn có băng ngay đè ép vết thương nhằm tác dụng giảm bớt chảy máu. Trường hợp máu chảy thành tia cần băng ga-rô phía trên vết thương đang chảy máu và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Đặc biệt cần lưu ý nếu có biểu hiện chân đau nhói nhiều khi cử động hoặc không cử động được vì đau phụ huynh cần cố định chân bị thương bằng 2 nẹp gỗ cứng cặp 2 bên chân với mục đích cố định chân trẻ vì nếu có gãy xương kèm theo sẽ rất đau và có thể gây sốc do đau khi vận chuyển trẻ đến cơ sở y tế", bác sĩ Trang thông tin. 

Kiệu là một vật dụng trong nhà được các gia đình dùng để đựng nước dự trữ trong sinh hoạt. Để thuận lợi khi sử dụng, một số gia đình đã khoan vào thân kiệu nhằm gắn vòi nước dẫn nước ra khi dùng.

Để tránh các tai nạn đáng tiếc do nguy cơ vỡ kiệu, các gia đình cần lưu ý:

Cần để kiệu nước thật vững. Để trên bề mặt bằng phẳng vì kiệu chứa nước sẽ rất nặng, đáy kiệu thu nhỏ nên rất dễ bị ngã lật khi va chạm mạnh. Khi kiệu nước bị tức vỡ sẽ gây chấn thương cho trẻ nếu trẻ chơi đùa gần đó.

Kiệu nước phải có nắp đậy kín để tránh bụi, tránh muỗi đẻ sinh lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết.

Nhà có trẻ em, các bậc cha mẹ cần cảnh báo con không được leo trèo nhằm tránh nguy cơ ngã vào kiệu gây ngạt nước nguy hiểm.