Theo báo Pháp Luật thành phố đưa tin, chiều tối ngày 22/12, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Ngoại sản (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ) cho biết, BV vừa mổ đẻ thành công cho sản phụ V.T.B.T. (40 tuổi, trú tại Võng La, Đông Anh, Hà Nội) lấy ra bé trai nặng 5,75kg. Đây là một trong những em bé có cân nặng hiếm gặp tại bệnh viện.

Cũng theo gia đình cho biết thì đây là lần sinh thứ tư của sản phụ. Trước đó, sản phụ hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh nào khác và từng 2 lần đẻ thường, một lần đẻ mổ.

Sau khi sản phụ đăng ký sinh tại Khoa Ngoại sản, các bác sĩ phát hiện thai to nên đã theo dõi sát sao, đặc biệt khi gần ngày dự sinh. Đồng thời, bệnh viện cũng đã chuẩn bị kỹ càng thuốc tăng co bóp tử cung trước ca mổ.

Bác sĩ Thu Hà cho biết với trường hợp của sản phụ T. có thể gặp phải nguy cơ băng huyết do đờ tử cung, tử cung co giãn quá mức. Trước khi mổ bắt con ra, sản phụ và gia đình đã được các bác sĩ giải thích về nguy cơ phải cắt tử cung cao và với những thai nhi lớn như thế này, nguy cơ đái tháo đường thai kỳ là rất lớn. Ngoài ra, em bé cũng có thể gặp tình trạng hạ đường huyết sau sinh rất nguy hiểm.

 Sau gần 1 tiếng thực hiện, ca mổ đã thành công. Em bé chào đời khóc to, da hồng hào. Ảnh minh họa: Internet

Đến ngày 22/12, sản phụ được thực hiện ca mổ. Sau gần 1 tiếng thực hiện, ca mổ đã thành công. Em bé chào đời khóc to, da hồng hào. Sau khi ca mổ kết thúc, sản phụ tiếp tục được theo dõi sự co hồi tử cung, đề phòng chảy máu âm đạo. Em bé sức khỏe ổn định, tiếp tục được các y bác sĩ chăm sóc.

Theo bác sĩ Hà, thai to gây ra rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe của cả mẹ và bé.

Nguyên nhân dẫn đến thai quá lớn

Quan niệm dân gian thường cho rằng con to là do bà mẹ ăn nhiều chất bổ dưỡng, vì thế điều đơn giản là muốn tránh thai to để không đẻ khó, khiến phải mổ đẻ thì nên hạn chế ăn uống đối với bà mẹ. Tuy trọng lượng của thai nhi phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng của bà mẹ, nếu bà mẹ khi mang thai đói ăn, dinh dưỡng kém thì kết quả tất nhiên thai sẽ bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân. Nhưng liệu khi bà mẹ ăn no, đủ chất con có phát triển to quá mức bình thường hay không?

Thực tế cho thấy không phải như vậy, số liệu thống kê nghiên cứu của các khoa Sản trong nước cũng như ngoài nước cho thấy: cân nặng của trẻ sơ sinh trong điều kiện người mẹ dinh dưỡng đầy đủ sẽ phụ thuộc vào tính di truyền của nòi giống, ví dụ với người Việt Nam, con đẻ ra cân nặng mức trung bình sẽ dao động trên dưới 3.200g, ngoài ra có thể còn phụ thuộc vào những yếu tố sau đây:

- Sức khỏe và thể lực bà mẹ: hai bà mẹ có chế độ dinh dưỡng như nhau nhưng bà mẹ nào cao lớn, mạnh khỏe hơn thì con cũng thường to khỏe hơn.

- Con đẻ lần sau (con rạ) thường có cân nặng lớn hơn lần trước.

- Bệnh tật của bà mẹ: nếu bà mẹ béo phì, đặc biệt nếu bị bệnh tiểu đường thì cân nặng của con chắc chắn sẽ vượt quá mức bình thường. Vì thế khi có trẻ sơ sinh nặng cân, bao giờ bác sĩ cũng phải kiểm tra lại bà mẹ xem có bỏ sót bệnh tiểu đường của họ hay không.

Trẻ sơ sinh của bà mẹ tiểu đường tuy nặng cân nhưng lại rất yếu, rất dễ bị hạ đường huyết ngay sau sinh và có tỷ lệ tử vong cao, người ta gọi các bé này bằng cái tên người khổng lồ, chân đất sét.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thai to. Ảnh minh họa: Internet

Thai to quá có sao không?

Nguy cơ cho thai phụ mang thai quá lớn:

- Tăng nguy cơ đột tử thai, sang chấn sản khoa lúc sinh, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu phẫu, hậu sản.
- Nguy cơ về sau là đái tháo đường type 2, tăng huyết áp mạn tính.
- Nguy cơ đối với các bé có cân nặng trên 4000 gram khi sinh. Không được chủ quan với bé khi thấy tình trạng sức khỏe sau sinh tốt. Cần theo dõi sát quá trình phát triển của trẻ về:

Bệnh lý phổi sau sinh, nguy cơ suy hô hấp.

- Nguy cơ béo phì.
- Rối loạn chuyển hóa sau sinh.

Có nên hạn chế ăn uống để thai nhẹ cân?

Nếu một bà mẹ không có bệnh lý gì đặc biệt và sinh lần 2 thì có nên hạn chế ăn uống để hy vọng thai nhi nhẹ cân, dễ sinh nở hay không? Câu trả lời là không.

Việc ăn uống của thai phụ là để nuôi cả 2 người, vì thế bà mẹ đương nhiên phải ăn với số lượng nhiều hơn, nhất là vào những tháng cuối, khi thai nhi lớn nhanh trong bụng mẹ. Thai phụ thường được khuyên ăn nhiều hơn 1⁄4 (tức tăng thêm 25%) số lượng lương thực và thực phẩm so với lúc bình thường. Thức ăn cần đa dạng có cả cơm, thịt, dầu ăn, trứng, sữa, cá, tôm, rau quả, không nên kiêng khem bất cứ loại thực phẩm nào nếu thích ăn.

Sản phụ trong thời gian mang thai nên thường xuyên theo dõi sức khỏe thai nhi. Ảnh minh họa: Internet

Nếu bà bầu hạn chế ăn uống thì cái hại trước hết là sức khỏe của thai phụ không bảo đảm, khi sinh đẻ sẽ khó khăn, sau đẻ sẽ không đủ sữa nuôi con. Về phía con, thai nhi sẽ bị suy dinh dưỡng ngay từ trong tử cung, đừng cho rằng thai nhỏ thì bà mẹ sẽ dễ sinh, vì thai yếu nên dễ bị suy trong lúc chuyển dạ, mẹ cũng không đủ sức để “vượt cạn”, dẫn đến hậu quả là bác sĩ phải can thiệp để tránh tai biến cho cả mẹ và con, kể cả việc phải mổ để cứu thai nhi.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo sản phụ trong thời gian mang thai nên thường xuyên theo dõi sức khỏe thai nhi. Trường hợp phát hiện thai to, mẹ bầu cần theo dõi sát sao, khám thai định kỳ theo hướng dẫn của y bác sĩ.