Tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Hà Nội mới đây tiếp nhận trẻ một tháng tuổi mắc ghẻ, với nhiều vùng da bị tổn thương nặng. Theo BS CKII Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Hà Nội trả lời trên báo Dân Trí cho biết trẻ bị bệnh ghẻ do lây từ chị mang ở trường về. Tuy nhiên, gia đình lại nghĩ cháu chỉ bị mẩn ngứa bình thường, nên cho cháu tắm lá theo kinh nghiệm truyền tai. Hậu quả là trẻ vừa bị dị ứng vừa nhiễm trùng bội nhiễm nên trên bệnh ghẻ.

Bệnh ghẻ là một bệnh da liễu khá phổ biến ở nước ta. Bệnh thường xuất hiện ở vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, điều kiện vệ sinh kém, thiếu nước sinh hoạt. Tuy không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe nhưng nếu không nhận biết các dấu hiệu bệnh ghẻ sớm và không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng: nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp.

Bệnh viện Da liễu Hà Nội mới đây tiếp nhận trẻ một tháng tuổi mắc ghẻ. Ảnh minh họa: Internet

Bệnh ghẻ ảnh hưởng đến mọi tầng lớp trong xã hội, trong đó trẻ em và phụ nữ dễ bị nhiễm hơn. Bệnh có xu hướng lưu hành nhiều ở vùng thành thị, đặc biệt là các nơi đông đúc dân cư, điều kiện vệ sinh kém, bệnh vào mùa đông nhiều hơn mùa hè.

Để chữa trị triệt để căn bệnh này, BS Yến cho rằng ngoài dùng thuốc diệt ký sinh trùng còn phải có những biện pháp phòng bệnh như điều kiện vệ sinh, dịch tễ…; phải cách ly được với nguồn lây, nếu không bệnh sẽ tái đi tái lại nhiều lần. Do đó với nhiều trường hợp bệnh nhân là học sinh, thì việc cần làm là chữa cho tất cả các bạn ở lớp, chữa cho cả bố mẹ, anh chị em, ông bà của các bạn cùng lớp.

Người mắc bệnh ghẻ nếu không chữa triệt để có thể bị nhiễm trùng, hoặc từ những nhiễm trùng ngoài da dẫn đến bội nhiễm gây ra từ những vết chà xát gãi mưng mủ bội nhiễm. Thậm chí, trong trường hợp nặng người bệnh có thể bị viêm cầu thận.

Thực tế, người dân vẫn rất chủ quan và thường cho rằng rất khó có thể bị ghẻ. Điều này là do suy nghĩ đây là bệnh do ở bẩn, căn bệnh từ thời xa xưa, bây giờ đời sống được nâng lên nên rất khó để mắc. Cũng vì thế, nhiều trường hợp đến viện trong tình trạng nặng.

Dấu hiệu bệnh ghẻ là gì?

Tổn thương đặc hiệu của bệnh ghẻ là luống ghẻ và mụn nước (còn gọi là mụn trai và đường hầm).

Dấu hiệu của bệnh ghẻ. Ảnh minh họa: Internet

Đường hầm do cái ghẻ đào ở lớp sừng, đây là đường cong ngoằn ngoèo, dài 2-3 cm, gờ cao hơn mặt da, màu trắng đục hay trắng xám, không khớp với da. Ở đầu đường hầm có mụn nước 1 - 2 mm đường kính, đây chính là nơi cư trú của cái ghẻ. Đường hầm thường tìm thấy ở kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, nếp gấp cổ tay và quy đầu.

Mụn nước sắp xếp rải rác, riêng rẽ ở vùng da mỏng như kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, nếp vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục. Ở trẻ sơ sinh, mụn nước có thể xuất hiện ở lòng bàn chân. Ở quy đầu, ghẻ có thể gây ra vết trợt được gọi là săng ghẻ, dễ nhầm với săng giang mai.

Dấu hiệu ngứa nhiều vào ban đêm vì lúc đi ngủ, cái ghẻ di chuyển gây kích thích đầu dây thần kinh cảm giác ở da và một phần do độc tố ghẻ cái tiết ra khi đào hang.

Ngứa gãi gây nhiễm khuẩn. Vết xước gãi, vết trợt, sẩn, vẩy tiết, mụn nước, mụn mủ, chốc nhọt, sẹo thâm màu, bạc màu... Những tổn thương thứ phát và biến chứng nhiễm khuẩn, viêm da, eczema hoá thường che lấp, làm lu mờ tổn thương đặc hiệu và gây khó khăn cho chẩn đoán.

Để phòng bệnh cần chú ý vệ sinh cá nhân hằng ngày sạch sẽ. Khi phát hiện ra có người trong gia đình bị ghẻ cần điều trị sớm, tránh tiếp xúc và dùng chung các đồ dùng của người bị bệnh.