Vì sao đa số các bé lại thích được bế đứng?

Không ít các mẹ chắn hẳn đều phát hiện một điều thú vị chính là lúc được bế nằm, bé thường tỏ ra bất an và khóc quấy. Nhưng khi mẹ thay đổi tư thế, bế đứng bé lên thì bé lập tức vui vẻ ngay.

Nhiều người phản đối vì cho rằng cột sống của bé còn quá non yếu, nếu bế đứng sớm sẽ khiến bé bị xiêu vẹo cột sống. Thực tế, hình thái cột sống của bé không có mối liên quan nhiều đến chuyện bế nằm hay bế đứng. Quan trọng là cách bế của bạn có khoa học và chuẩn xác hay không.

Trẻ thường thích được bế đứng để thỏa mãn lòng hiếu kỳ và khám phá - Ảnh minh họa: Internet

Theo nghiên cứu, sở dĩ các bé không thích nằm hoặc được bế nằm là do khi nằm, tầm nhìn của bé rất hạn chế, chỉ đơn thuần là nhìn thấy “trần nhà”.

Bé tuy còn nhỏ nhưng luôn có tính hiếu kỳ mạnh mẽ với thế giới xung quanh và muốn khám phá mọi thứ. Vì vậy khi bạn bế nằm, bé sẽ sinh ra phản kháng một cách tự nhiên, cụ thể biểu hiện qua động tác khó chịu và khóc.

Thông thường, bé được 1 – 2 tháng tuổi mẹ vẫn nên bế nằm vì lúc này cơ thể bé rất mềm yếu, bế đứng gây nguy hiểm, bất tiện. Nhưng khi bé lớn hơn một chút thì hoàn toàn có thể bế đứng để bé thỏa mãn lòng hiếu kỳ.

Trẻ sơ sinh có thể bế đứng nhưng cần thận trọng

Theo Pcbaby, mặc dù bé rất thích được bế đứng nhưng bạn chỉ nên đáp ứng nhu cầu này khi bé từ 3 tháng tuổi trở lên. Đồng thời, tư thế cần đảm bảo chính xác để tránh làm tổn thương cột sống và các cơ vai, cổ của bé.

Có thể bế đứng trẻ sơ sinh nhưng cần thận trọng - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, nhiều người rất thích ôm đứng bé theo kiểu áp sát mặt bé vào lòng mình. Hãy cẩn thận vì tư thế này có thể cản trở sự hô hấp của bé, thậm chí còn gây các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp từ các tác nhân bên ngoài mà bé tiếp xúc. Không những vậy, bế đứng không đúng cách còn dễ ảnh hưởng xấu đến phần đầu và mắt của trẻ sơ sinh.

Cách bế đứng trẻ sơ sinh an toàn và khoa học

Bạn dùng một tay đỡ lấy phần đầu của bé, tay kia đỡ phần mông, để cho hai chân của bé hơi cong một chút. Hoặc cách khác là để nửa thân trên của bé tựa vào ngực của người bế, tay còn lại đỡ cổ của bé, có thể để đầu bé hơi nhô lên khỏi vai mẹ để bé nhìn được xung quanh và không khóc quấy.

Thời gian bế đứng trẻ sơ sinh phải tùy độ tuổi và sức khỏe của bé - Ảnh minh họa: Internet

Chú ý với trẻ khi vừa được 3 tháng tuổi thì thời gian bế đứng không nên quá lâu. Sau khi trẻ bú sữa no, bạn có thể dùng cách bế đứng mười mấy phút để giúp trẻ dễ tiêu hóa, hạn chế ọc sữa và cũng dễ đi vào giấc ngủ hơn.

Với trẻ đã trên 3 tháng tuổi, bạn có thể cho trẻ tập ngóc đầu một lúc, thời gian bế đứng cũng có thể tăng dần. Những động tác bế đứng hay ngóc đầu với tư thế đúng và thời gian vừa đủ vừa thỏa mãn nhu cầu khám phá của trẻ, vừa như một bài tập thể dục cho phần cơ lưng, cổ và khả năng điều tiết các cử động của trẻ.

Đến khi trẻ đủ lớn để kiểm soát được phần đầu, cổ của mình thì bạn có thể bế bé theo kiểu để lưng bé tựa sát vào lòng người bế, mặt bé hướng ra ngoài, đầu gối buông thõng và cong tự nhiên để bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu.