Theo các nghiên cứu trong và ngoài nước, ung thư dạ dày xảy ra chủ yếu ở nam giới, trong độ tuổi từ 40-60.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã phẫu thuật cho các bệnh nhân nữ bị ung thư dạ dày có tuổi đời còn rất trẻ.

Các bệnh nhân nữ chỉ trên dưới 20 tuổi. Đây là điều hết sức bất thường, cần được quan tâm, phát hiện sớm để có các biện pháp phòng tránh.

Phát hiện quá muộn

Trong hai tháng vừa qua, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 2) đã điều trị hai bệnh nhân nữ 18 tuổi và 23 tuổi.

Bệnh nhân nữ (23 tuổi, ở TP.HCM) vào viện khám vì đau âm ỉ trên rốn. Tiền căn không ghi nhận bệnh gì trước đây. Bệnh nhân được chỉ định nội soi dạ dày, phát hiện tổn thương nhiễm cứng dạ dày vùng hang vị.

Một ca phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư dạ dày - Ảnh: BVCC

Sinh thiết tổn thương cho kết quả ung thư tuyến biệt hóa kém dạng tế bào nhẫn của dạ dày. Sau 4 ngày nhập viện, các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân, cắt bán phần dưới dạ dày, nạo hạch D2. Bệnh nhân được xuất viện vào ngày thứ 10 và hiện đang được hóa trị sau mổ.

Một trường hợp khác, bệnh nhân nữ (18 tuổi, ở Lâm Đồng) có dấu hiệu đau bụng thỉnh thoảng, tự mua thuốc uống suốt 6 tháng. Gần một tháng nay, bệnh nhân có triệu chứng đầy bụng khó tiêu, chán ăn, mệt mỏi, sụt khoảng 5 cân, đi tiêu phân đen.

Qua thăm khám, nội soi dạ dày, thực hiện sinh thiết tổn thương cho bệnh nhân, bác sĩ kết luận ung thư tuyến biệt hóa kém dạng tế bào nhẫn của dạ dày và tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, bác sĩ không thể phẫu thuật cắt được dạ dày do ung thư đã di căn đến ổ bụng. Bệnh nhân được chỉ định hóa trị triệu chứng.

Hai bệnh nhân nêu trên có chung các đặc điểm chính là nữ, trẻ (từ 18 đến 23 tuổi) và ung thư dạ dày biệt hóa kém dạng tế bào nhẫn (nghĩa là ung thư có mức độ ác tính cao, khả năng phẫu thuật cắt dạ dày triệt căn thấp và thời gian sống sau mổ ngắn).

Không H. pylori sẽ không có ung thư dạ dày

GS Davis Graham - nguyên chủ tịch Hội Tiêu hóa Mỹ - đã nhận định: "Ung thư dạ dày là bệnh có thể phòng ngừa được. Không H. pylori sẽ không có ung thư dạ dày".

Theo GLOBOCAN 2018 cập nhật về ung thư dạ dày trên thế giới, Việt Nam là nước có tỉ lệ ung thư dạ dày đứng thứ 14 so với thế giới và đứng cao nhất trong các nước Đông Nam Á. Tỉ lệ mới mắc là 15,9/100.000 dân, với số mới mắc bệnh là 17.527, số tử vong là 15.065 bệnh nhân.

Nếu tính chung cả 2 giới thì ung thư dạ dày đứng hàng thứ 3 sau ung gan và ung thư phổi. Miền Bắc tỉ lệ ung thư dạ dày cao gần gấp đôi miền Nam.

Liên quan đến việc đột biến gen hay biến đổi gen ở người thì mối liên quan giữa ung thư dạ dày và các gen bao gồm sự kích hoạt các gen sinh ung thư, đột biến gây bất hoạt các gen áp chế ung thư có vai trò quan trọng cũng cần được nghiên cứu thêm.

Bên cạnh đó, hướng nghiên cứu về tế bào gốc và ung thư dạ dày nhằm làm rõ hơn cơ chế hình thành, tiến triển của ung thư dạ dày những năm gần đây là một hứa hẹn có thể làm sáng tỏ thêm nguồn gốc của ung thư dạ dày trong tương lai.

Để phòng tránh ung thư dạ dày ở người trẻ cần lưu ý: khi có triệu chứng đau bụng, khó tiêu cần đi khám bệnh sớm, tùy theo chỉ định cần có chẩn đoán bằng nội soi dạ dày. Khi xác định nhiễm vi khuẩn H. pylori cần được điều trị triệt để.

Đặc biệt chú ý cách ăn uống, không ăn chung, gắp thức ăn chung, chấm nước chấm chung.

Lưu ý nguyên nhân

Các yếu tố nguyên nhân khác có thể gây ung thư dạ dày bao gồm: môi trường, hút thuốc lá, thức ăn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, chế độ ăn mặn như thịt cá hun khói có nhiều muối chứa chất bảo quản nitrate và tạo thành nitrosamine trong dạ dày, ít ăn rau quả tươi thiếu vitamin C, nhóm máu, yếu tố di truyền...

Các thương tổn tại dạ dày như viêm teo niêm mạc dạ dày, dị sản/chuyển sản ruột, loạn sản/nghịch sản, và polyp dạ dày cũng cần được theo dõi bằng nội soi dạ dày và chẩn đoán chính xác bằng mô bệnh học.