Người phụ nữ được nói đến là Tori Geib hiện là một nhà văn kiêm blogger sống cùng với gia đình ở Bellefontaine, Ohio, Mỹ. Cô được chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn 4 vào năm 2016. Dưới đây là một vài chia sẻ của cô khi vô tình phát hiện bệnh:

Khi quyết định chuyển nghề và lựa chọn trở thành đầu bếp vào cuối năm 20 tuổi, tôi chấp nhận phải đối mặt với khó khăn. Phục vụ gia đình những bữa ăn ngon trở thành niềm đam mê lớn trong cuộc đời tôi và cảm giác mệt mỏi, đau nhức khi kết thúc ca làm việc là điều không thể tránh khỏi.

Tori Geib trở thành bệnh nhân ung thư ngay sau lần sinh nhật thứ 30 của cô.

Vì vậy, vào thời điểm đó cách đây 5 năm, tôi thực sự không nghĩ chứng đau lưng mãn tính của mình lại là vấn đề nghiêm trọng. Hơn nữa, một ngày nọ, tôi bị gãy xương quai xanh khi đang làm việc. Bác sĩ đã chụp CT, trong đó có phần lưng và kết luận không có gì nghiêm trọng cả, cùng lắm thì chỉ là hội chứng đau cơ xơ hóa. Kể từ đó, tôi không hề nghi ngờ những cơn đau lưng là dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm như ung thư vú.

Một năm sau, tôi đang nằm trên giường và cảm thấy có thứ gì đó ép lên người mình. Có lẽ tôi đã ngủ quên và đè lên điện thoại di động mà không hề hay biết. Tôi với tay và nhận ra mình đang chạm vào một cục u cứng trên vú.

Kể từ khi biết căn bệnh ung thư vú đang hoành hành trong cơ thể, tôi phải đi chụp X-quang tuyến vú tại một phòng khám địa phương lúc mới bước sang tuổi 30. Sau đó, một bác sĩ tại bệnh viện lớn ở Columbus chẩn đoán ung thư vú đã chuyển sang giai đoạn cuối.

Tế bào ung thư âm thầm di căn đến cột sống, xương và các cơ quan khác từ rất lâu nhưng tôi không hề hay biết. Đây là lý do thực sự khiến tôi bị đau lưng mãn tính và yếu xương. Ảnh chụp CT một năm trước trở thành bằng chứng cho thấy tác động của ung thư trên cột sống.

Ung thư vú là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm đối với chị em phụ nữ trên toàn thế giới. Ảnh minh họa: Internet

Ung thư vú là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm đối với chị em phụ nữ trên toàn thế giới. Theo tổ chức y tế thế giới WHO, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư vú trên thế giới ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Vậy làm thế nào để phát hiện bệnh ung thư vú sớm hơn, không để quá trễ nhưng trường hợp của cô gái trên.

Các dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư vú

1. Đau tức ngực hoặc tuyến vú

Triệu chứng đau tức ngực, cương tức tuyến vú trong thai kỳ hoặc trong những ngày hành kinh được cho là bình thường. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng này xuất hiện trong cả những ngày bình thường và cơn đau kéo dài, tăng dần khi đến kỳ kinh nguyệt thì bạn nên đi khám, siêu âm và chiếu chụp cộng hưởng từ vú để kiểm tra tuyến vú của mình.

2. Vú to bất thường

Nếu bạn cảm thấy vú to lên bất thường, 2 bên vú không tương xứng hay thường xuyên cảm thấy cương cứng thì bạn nên cẩn thận. Rất có thể đây là một dấu hiệu của ung thư vú.

3. Nổi u cục ở tuyến vú

U vú có thể phát hiện tình cờ, tuy nhiên lời khuyên của các chuyên gia đó là tự khám vú hàng tháng sau khi hết kinh, bằng cách này bạn có thể sờ thấy một "khối lạ" ở tuyến vú của mình. Những u này có thể là lành tính và cũng có thể là ác tính. Đây là bước rất quan trọng vì rất nhiều trường hợp ung thư vú được phát hiện sớm qua việc tự khám vú hàng tháng và chụp vú, siêu âm vú kết hợp khi có nghi ngờ.

Để tự khám vú, bạn có thể đứng trước gương để kiểm tra hình dạng vú ở tư thế bình thường. Sau đó, chuyển đổi tư thế hai tay giơ cao và cuối cùng hai tay chống vào hông, kiểm tra vú khi thay đổi các tư thế nằm.

4. Nổi hạch nách

Khi khám vú bạn cũng có thể kiểm tra vùng hố nách nếu có khối bất thường bạn cũng nên khám chuyên gia ngay. Hạch nách có thể do nhiều nguyên nhân nhưng cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư vú. Có khá nhiều trường hợp ung thư vú được chẩn đoán khi người bệnh phát hiện tình cờ hạch hố nách.

5. Thay đổi da vùng vú

Một số thay đổi da vùng vú như: đỏ, sưng dưới dạng sần da cam... bạn nên đi khám ngay vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư vú đã vào giai đoạn muộn.

Một số thay đổi da vùng vú như: đỏ, sưng dưới dạng sần da cam... bạn nên đi khám ngay. Ảnh minh họa: Internet

 6. Tụt núm vú, thay đổi vùng da quanh đầu núm vú

Một số người phụ nữ bình thường có triệu chứng tụt núm vú bẩm sinh. Tuy nhiên, nếu núm vú của bạn đột nhiên bị tụt hẳn vào trong, kèm theo biểu hiện cứng và không kéo ra được như bình thường, Vùng da bị co rút, nhăn nheo và có thể xuất hiện các hạt nhỏ ở quầng vú xung quanh núm vú, chảy dịch bất thường ở núm vú... thì bạn nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị sớm.

Tóm lại, khi phát hiện các u cục, sưng đau, biến đổi màu sắc da, chảy dịch... bất thường bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để được khám và tư vấn cụ thể hơn. Phụ nữ trên 35 tuổi, người có những dấu hiệu bất thường ở tuyến vú, phụ nữ chưa từng sinh con,... cần phải đi khám vú và chụp và siêu âm vú định kỳ 6 tháng/lần.

Phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm được xem là chìa khóa trong điều trị thành công ung thư vú. Bởi bằng các biện pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và kết hợp với các phương pháp tiên tiến khác: liệu pháp nội tiết tố, sinh học (điều trị nhắm trúng đích), bệnh nhân ung thư vú có thể được cứu sống. Ung thư vú giai đoạn 1 thường có tỷ lệ sống cao (trên 5 năm) đạt 80-90%.