Bão sẽ đổ bộ vào nửa đêm

Hồi 7 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,8 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 100km, cách Phan Thiết khoảng 190km, cách Vũng Tàu khoảng 240km, cách Bến Tre 300km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km.

Ảnh vệ tinh cơn bão số 9 đang đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 19 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 9,9 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7-8 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 07 giờ ngày 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,3 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên đất liền ven biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Dự báo TP.HCM từ chiều và đêm nay có mưa rất to (200-250mm) và có khả năng dông, lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng.

Bão Usagi không quá mạnh nhưng không được chủ quan

Theo ông Lê Đình Quyết - Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện bão số 9 mang tên quốc tê Usagi đang cách TP.HCM khoảng 320km. Thời gian tới, bão di chuyển theo hướng Tây và khả năng đổ bộ vào khu vực Đông Nam Bộ rất cao.

Trong chiều tối nay, dự báo TP.HCM sẽ có mưa rất lớn gây ngập lụt nghiêm trọng nhiều nơi

"TP.HCM nằm trong phạm vi ảnh hưởng của cơn bão. Từ sáng sớm nay đã xuất hiện nhiều mấy, độ ẩm không khí tăng gây ra hiện tượng sương mù, mưa nhẹ. Trong tối nay, bão tiến sát đất tiền thì khu vực sẽ có mưa rất lớn từ 150-200mm"- ông Quyết nói.

Tuy nhiên, theo ông Quyết bão số 9 áp sát đất liền sẽ đạt cấp 6 trở xuống, không quá mạnh nhưng không vì thế mà chủ quan.

Dù vậy, Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết khả năng tối nay và ngày mai TP sẽ có mưa rất to trùng với triều cường dâng cao sẽ gây ngập nặng. Bên cạnh đó, trong cơn mưa còn có tình trạng giông lốc rất nguy hiểm, người dân cần đề phòng.

Cấp tập di dời dân tránh bão

Trước diễn biến của cơn bão, từ 20h hôm 23/11, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có lệnh cấm người, phương tiện trên địa bàn xuất bến hành nghề trên biển đến khi có lệnh xuất bến mới. Ngành giáo dục của tỉnh này cũng ra thông báo cho học sinh nghỉ học đến khi có thống báo mới về cơn bão.

UBND TP Vũng Tàu, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn TP Vũng Tàu hôm nay cũng tổ chức cuộc họp khẩn với các phòng, ban, đơn vị, đoàn thể, phường, xã nhằm triển khai phương án ứng phó cơn bão số 9.

Tại TP.HCM từ 3 ngày nay, chính quyền TP đã lên kế hoạch phòng chống bão số 9 đổ bộ vào. Trong đó, huyện Cận Giờ được xem là điểm trọng yếu trong công tác phòng chóng bão đã được huy động lực lượng tối đã để ra soát, gia cố các khu vực xung yếu.

Người dân huyện Cần Giờ cấp tập di dời đến nơi an toàn trước thời điểm bảo đổ bộ

Từ 13h chiều qua, huyện này đã thông báo lệnh xuất bến hành nghề trên biển đến khi có lệnh xuất bến mới. Toàn huyện có gần 2000 hộ dân nằm trong diện phải di dời với 4.100 người. Đến 6 giờ sáng nay (24/11) kế hoạch đã được triển khai. Cần Giờ có 4.000 người dân ở vùng úng, trũng thấp, trong đó 2.400 dân ở vùng rất nguy hiểm, hiện đã được di tản tới 28 địa điểm an toàn.

“Bão tiếp cận bờ lại lúc nửa đêm, cộng với mức triều cường cao (tới 9h mức triều cường là 1m56), khả năng khi bão sẽ có gió, mức cột sống biển sẽ cao hơn, gây tổn hại lớn, nên không chỉ đảm bảo việc sơ tán, còn phải thực hiện các quy định an toàn khác, ai không có nhiệm vụ gì thì không nên ra đường” – Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nói khi đi kiểm tra tình hình tại Cần Giờ.

Tỉnh Bình Thuận: Cấm tàu thuyền, phương tiện vận tải ra biển hoạt động từ 16 giờ ngày 22/11/2018. Tại huyện đảo Phú Quý từ trưa ngày 23/11 sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân theo kế hoạch đã lập tại các địa phương ven biển khi bão đổ bộ trực tiếp. đề nghị các địa phương rà soát lại, chủ động bảo đảm, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, không để bất ngờ. Nghiêm cấm tàu thuyền, các phương tiện vận tải hoạt động từ 16 giờ ngày 22/11.

Tàu thuyền trên đảo Phú Qúy đã nhanh chóng vào bờ tránh bão

Rà soát phương án, kế hoạch sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm ven biển, cửa sông nguy cơ bị sóng biển, gió mạnh, triều cường ảnh hưởng, các vùng trũng, ngập lụt, sạt lở.

Tỉnh Khánh Hòa: Hơn 270.000 học sinh toàn tỉnh Khánh Hòa sẽ nghỉ học từ 23/11 đến 25/11. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ để chỉ đạo các trường học các biện pháp gia cố, bảo vệ các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các trường.