Trong chương trình truyền hình được phát sóng gần đây, câu chuyện của một cặp vợ chồng Nhật Bản khiến nhiều khán giả không khỏi sửng sốt.

Cô Aoi và chồng đều đã ngoài 50 tuổi. Họ kết hôn với nhau gần 20 năm, từng là gia đình êm ấm, hạnh phúc dù không có con.

Tuy nhiên, hôn nhân của họ được ví như một mặt hồ phẳng lặng, những mâu thuẫn cứ thế chồng chất khi hai vợ chồng liên tục phớt lờ đối phương.

Trước khi kết hôn, Aoi biết đối phương có một thói quen là không nói chuyện với cô khi tức giận, dù Aoi có xin lỗi hay thậm chí khóc lóc bao nhiêu lần vẫn không lay chuyển được chồng. Và thói quen bạo lực lạnh này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Dù nhìn có vẻ hạnh phúc, vợ chồng Aoi đã không nói chuyện với nhau suốt 3 năm (Ảnh: Toutiao).

Cô bộc bạch rằng khoảng 3 năm về trước, hai vợ chồng Aoi lại có một "chiến tranh lạnh". Aoi đã ngỏ lời xin lỗi và hàn gắn, nhưng vẫn "chứng nào tật nấy", người chồng một mực không nói chuyện với cô.

Sau nhiều năm "xuống nước" mà chỉ nhận lại sự im lặng, nay Aoi đã mệt mỏi và chán nản nên cô từ bỏ ý định hàn gắn mối quan hệ và cũng không muốn làm lành với chồng nữa. Dù hai vợ chồng sống với nhau nhưng ban ngày đi làm, đến tối về họ không nói chuyện với nhau, cần liên lạc sẽ viết ra các tờ ghi chú.

Dần dần, Aoi và chồng mất đi những mối liên hệ trong cuộc sống. Họ ăn riêng, ngủ riêng, ngay cả việc nấu ăn cũng không chung đụng. Hóa đơn điện, nước hàng tháng sẽ chia đôi để đóng.

Hai vợ chồng hạnh phúc ngày nào giờ giống như một cặp "bạn chung phòng" xa lạ. Dù cuộc sống hôn nhân như vậy khiến Aoi cảm thấy ngột ngạt và chán nản nhưng cô chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ly hôn.

Dù hai vợ chồng sống với nhau nhưng ban ngày đi làm, đến tối về họ không nói chuyện với nhau, cần liên lạc sẽ viết ra các tờ ghi chú.

Aoi giải thích, dù họ không trò chuyện nhưng cô tin hai người vẫn còn tình cảm, hoặc ít nhất cô vẫn còn dành tình yêu cho đối phương. Dù có thế nào, cô vẫn muốn bảo vệ cuộc hôn nhân này. Aoi nói thêm: "Chỉ cần anh ấy ngừng lạnh lùng với tôi, tôi vẫn muốn tiếp tục cuộc hôn nhân này. Tình nghĩa vợ chồng vẫn có thể hàn gắn được".

Khi vợ chồng là những người xa lạ nhưng cùng nằm chung giường

Cách đây không lâu, câu hỏi "Hạnh phúc ở đâu khi vợ chồng chỉ nói với nhau 10 câu mỗi ngày?" đã mở ra một cuộc tranh luận trên trang hỏi đáp Zhihu của Trung Quốc.

Chỉ trong hai giờ, số lượt xem và trả lời lên tới 1,8 triệu. Nhiều người nói rằng, hôn nhân của họ đúng là đang ở thời điểm "10 câu cũng chẳng đến", trong khi người khác kể: "Có 24 giờ mỗi ngày. Chúng tôi ngủ quay lưng vào nhau. Khi tôi thức dậy anh ấy đã ra ngoài. Chúng tôi chỉ là những người xa lạ nhưng cùng nằm chung giường".

"Bữa tối hôm nay anh ăn gì? Thịt hay cá", người vợ hỏi. "Ừ", người chồng thản nhiên đáp. "Đồng nghiệp mới hôm nay lại mang bữa sáng cho em", vợ tiếp tục câu chuyện. "Ừ", người chồng vẫn đắm chìm trong thế giới của riêng mình.

Nhiều cuộc hôn nhân tưởng như ổn thỏa nhưng đã mắc phải căn bệnh "Chứng mất ngôn ngữ trong hôn nhân". Ảnh: shutterstock

Nhiều người nói rằng họ cũng giống người phụ nữ trên khi phát hiện chồng không còn hứng thú với câu chuyện của mình nữa. Những cuộc nói chuyện bất tận không có hồi kết thuở mới yêu giờ đã trở thành độc thoại. Vậy yếu tố "chết người" phá hủy một cuộc hôn nhân là gì?

Có nhiều người cho rằng do số họ lận đận, có người đổ cho sự mâu thuẫn, cãi vã. Thực chất có nhiều cuộc hôn nhân nhìn bên ngoài không chê vào đâu được, rất hoàn hảo và hạnh phúc, nhưng thực chất bên trong đã "mục ruỗng" từ lâu.

Từ tình cảm sâu đậm đến thờ ơ, nhiều cuộc hôn nhân tưởng như ổn thỏa nhưng đã mắc phải căn bệnh "Chứng mất ngôn ngữ trong hôn nhân". Nói một cách đơn giản, cuộc hôn nhân này đang nằm trong giai đoạn "Không nói chuyện. Không cãi vã. Không gian dối. Không ly hôn nhưng cũng không hề có hạnh phúc".

Đó là thực tế mà nhiều gia đình đang trải qua. Trong phim "Người cha vĩ đại nhất thế giới" có câu nói của nhân vật chính: "Trước đây tôi nghĩ rằng điều tồi tệ nhất trên thế giới là chết một mình, nhưng không phải vậy. Điều tồi tệ nhất là phải chết với những người khiến bạn cảm thấy cô đơn".

Nhiều người có thể chịu đựng được sự nghiệt ngã của cuộc đời, sự lạnh lùng của thế gian, nhưng rất ít người có thể chịu được nỗi cô đơn, lẻ bóng trong hôn nhân. Một cuộc hôn nhân thiếu sự giao tiếp và tâm tình giống như một cái cây có vẻ ngoài vững chãi, tuy bề ngoài tươi tốt, phát triển nhưng bên trong nó đang chết dần.