Hậu quả 10 năm chứng kiến mẹ bị bố đánh đập

Những vụ việc vợ bị chồng bạo hành khiến dư luận “dậy sóng” trong thời gian gần đây một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về nạn bạo hành trong gia đình.

Từ việc chứng kiến người mẹ bị chồng đánh đập, đứa trẻ là người hứng chịu hậu quả nặng nề hơn cả. Chia sẻ với PV Phụ nữ Sức khỏe, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Quyền bảo vệ trẻ em TP.HCM) khẳng định nạn nhân của bạo hành gia đình không ai khác chính là con trẻ.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Quyền bảo vệ trẻ em TP.HCM). Ảnh: LSCC

Từng tham vấn cho nhiều vụ ly hôn, bạo hành gia đình, luật sư Ngọc Nữ nhận thấy một thực trạng nhức nhối là không ít người vợ có tới 10 năm chịu đựng chồng đánh đập với lý do “nhịn vì con”, “để con có đầy đủ bố mẹ”. Thế nhưng hậu quả cái sự “nhịn” của người mẹ đã khiến bản tính đứa trẻ trở nên hung dữ khi lớn lên.

Bà Ngọc Nữ nhớ như in một lần dự phiên tòa xử đứa trẻ chưa thành niên phạm tội giết người. Lời tiết lộ của mẹ đứa trẻ khiến ai cũng phải lặng người. Mẹ cháu nói: “Ngày xưa bố nó đánh tôi như thế nào, bây giờ nó đi đánh người ta như thế”.

Có trường hợp đứa trẻ thường xuyên đánh bạn, dùng chân đá bạn bất cứ khi nào bực tức. Cô giáo hỏi vì sao, đứa trẻ bảo: “Tại ở nhà cha con cũng làm thế”.

Tôi tự hỏi tại sao người mẹ lại lựa chọn sống trong cảnh bị bạo hành trong thời gian dài như thế để cuối cùng cuộc đời đứa con rẽ sang một lối khác? Một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình như vậy sẽ bị chấn thương tâm lý nặng nề, chúng u uất, ức chế, hung dữ và có thể gây ra những hành vi khôn lường”, luật sư Ngọc Nữ đau xót bày tỏ.

Từ những câu chuyện thực tế đã chứng kiến, luật sư Ngọc Nữ nhắn nhủ chị em phụ nữ đừng im lặng chịu đựng khi bị chồng đánh đập. Tuy nhiên, chị em cũng đừng cằn nhằn khi chồng đang bực tức vì điều này rất dễ khiến chị em bị chồng đánh.

“Hãy làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng, tìm đến hội phụ nữ, tổ dân phố, luật sư để được tư vấn, hỗ trợ và bảo vệ kịp thời”, Luật sư Ngọc Nữ nói.

Bạo hành gia đình – im lặng không phải là vàng!

Nhiều năm hỗ trợ, tham vấn cho trẻ em, phụ nữ bị bạo hành gia đình, nhà giáo Trần Duyên Hải, Giám đốc Trung tâm dạy nghề nhân đạo và tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam, số 25, ngách 48, ngõ Linh Quang, Đống Đa, Hà Nội cho biết mỗi mảnh đời đến với trung tâm là một câu chuyện đẫm nước mắt.

Nhiều người trong số đó không thể chịu nổi việc bạo hành ngay tại gia đình mình đã dắt díu nhau chạy lên thành phố lánh nạn và kiếm kế mưu sinh.

Nhức nhối vấn nạn bạo hành gia đình. Ảnh minh họa.

Có những đêm thầy giáo Duyên Hải chứng kiến cả bốn mẹ con bồng bế nhau chạy đến trung tâm đập cửa kêu cứu trong bộ quần áo mỏng manh, mặt mày bầm tím. Tổ ấm với họ là nơi chất chứa nỗi buồn, sự sợ hãi và tủi nhục.

“Điều mấu chốt ở đây là người phụ nữ trong gia đình có nạn bạo hành phải chủ động lên tiếng lên tiếng với họ hàng, làng xóm, chính quyền. Có như vậy mới sớm kết thúc những chuỗi ngày đày ải mà các em đang phải chịu đựng trong chính mái nhà của mình”, thầy Hải thẳng thắn kiến nghị.

Nói về vấn nạn bạo hành gia đình, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và ứng dụng về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên CSAGA cũng khẳng định một trong những thông điệp chính của phòng chống bạo lực trong gia đình là phá vỡ sự im lặng.

“Nếu như mọi người còn đổ lỗi, kỳ thị người phụ nữ bị bạo lực vì họ nói nhiều, do không tốt, họ là nguyên nhân dẫn tới lục đục gia đình… thì người phụ nữ đó sẽ không đủ can đảm để nói ra sự thật.

Nếu như chúng ta xét gia đình văn hóa, khu phố văn hóa mà chỉ để ý đến bề mặt yên ắng của mỗi gia đình, mỗi khu phố, làng quê mà không biết rằng có sóng ngầm dậy ở bên dưới thì sẽ là lý do khiến bạo lực gia đình bị nạn nhân che giấu.

Làm sao để nạn nhân phải nói ra câu chuyện của mình, có nói ra thì cộng đồng mới có thể giúp đỡ được.

Có nhà tạm lánh, công an, hội phụ nữ, có tổ hòa giải thế nhưng người phụ nữ không chịu nói ra với ai thì câu chuyện thay đổi nạn bạo lực trong gia đình là câu chuyện gần như bị hạn chế!”, bà Vân Anh bày tỏ.