“Cháu không thể sống tiếp khi bị bôi nhọ như thế”

Ngày 31/5, trao đổi với PV Dân trí, đại diện cơ quan điều tra Công an quận 11 (TPHCM) cho biết đã nhận được đơn kêu cứu của chị Nguyễn Thị Bích Thủy (SN 1981, ngụ Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) về việc liên tục bị một phụ nữ tên Thái Thùy Liên (ngụ quận 11, TP HCM) nói xấu trên Facebook.

Theo chia sẻ của chị Thủy, từ đầu năm 2019 đến nay, do mâu thuẫn trong công việc kinh doanh nên chị và gia đình bị bà Thái Thùy Liên liên tục lên các trang mạng xã hội nói xấu.

T.K.N đã quyết định uống thuốc tự tử, sau đó may mắn được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Ảnh: Dân Trí.

Việc bị bôi nhọ trên mạng đã khiến đời sống gia đình chị bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mẹ chị Thủy sau khi bị áp lực đã đột quỵ, hiện giờ liệt nửa người phải nằm một chỗ.

Đặc biệt, con gái chị là cháu T.K.N (SN 2002) cũng bị miệt thị trên mạng là "đồ con hoang", "xinh đẹp thì đi làm điếm kiếm tiền" cùng nhiều lời lẽ cay độc khác.

Kết quả là cháu N. bị bạn bè xa lánh khiến cháu bị trầm cảm, học hành sa sút. Vừa qua, vì không chịu được áp lực nên cháu đã uống thuốc ngủ tự tử nhưng may mắn được gia đình cứu chữa kịp thời.

Được biết trước khi tìm đến cái chết, N. đã gọi điện nhắn gửi người cậu ruột: "Cháu không thể sống tiếp khi bị bôi nhọ miệt thị như thế. Cháu phải chết thôi. Mẹ cháu đi làm ở xa rồi, cậu ở gần ráng lo cho ngoại nghen cậu".

Những cái chết thương tâm vì mạng xã hội

Đây không phải là trường hợp đầu tiên nữ sinh tự tử vì không chịu nổi áp lực từ cộng đồng mạng.

Ngày 25/9/2016, em Bùi Q.H (học sinh lớp 8, Trường Trung học cơ sở U Lâu, Yên Bái) đã treo cổ tự tử do quá xấu hổ và hoảng sợ khi clip mình bị đánh, bắt quỳ xin lỗi bị đăng tải trên mạng xã hội.

Ngày 22/6/2015, nữ sinh T. (sinh năm 2000 ở Đồng Nai) đã tự tử bằng thuốc diệt cỏ do bị bạn trai tung clip “nóng” lên mạng xã hội.

Những lời bình luận “làm nhục tập thể” trên mạng khiến T. rất xấu hổ, không dám ra đường gặp ai. Cuối cùng, do không thể chịu được sức ép dư luận, T. tìm đến cái chết để giải thoát.

Không chịu được sức ép mạng xã hội, không ít nữ sinh tìm đến cái chết thương tâm. Ảnh minh họa.

Vào tháng 6/2013, nữ sinh N.T.C.L (sinh năm 1995, mới tốt nghiệp lớp 12 ở Thạch Thất, Hà Nội) bị các bạn trong lớp học thêm ghép mặt của mình vào tấm hình của một cô gái khác ăn mặc hở hang và đăng lên mạng xã hội.

Mặc dù nạn nhân có đe dọa sẽ tự tử nếu các bạn không gỡ những hình ảnh đó xuống nhưng lại nhận lại được những thách thức, bình luận trêu đùa. Vì quá phẫn uất, nữ sinh này đã uống thuốc diệt cỏ để tự tử.

Gia đình có phát hiện và đưa em đi cấp cứu nhưng do lượng thuốc quá nhiều khiến nữ sinh tử vong ngay sau đó.

Mạng xã hội không chỉ là nơi cư dân mạng chia sẻ cảm xúc mà còn trở thành những nhát dao vô hình cướp đi mạng sống của nhiều bạn trẻ.

Điều đáng nói là chỉ cần có một đoạn clip, hình ảnh, câu nói “khác người” được đưa lên mạng xã hội, chưa biết thực hư ra sao, nhân vật chính trong đó rất có thể sẽ phải hứng chịu hàng tấn “gạch đá” từ cư dân mạng.

Dễ nhận thấy, thiếu nữ mới lớn, chị em vẫn là nạn nhân dễ bị cộng đồng mạng buông lời thóa mạ nhất.

Những người bình luận cay nghiệt cần phải nghiêm trị!

Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty luật Dragon, nạn nhân bị bôi nhọ trên mạng xã hội hoàn toàn thể kiện người đăng tải.

Điều 16 và Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình và có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”.

Điều 31 và Điều 38 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý”.

Những bình luận độc ác trên mạng xã hội cần phải bị nghiêm trị! Ảnh minh họa.

“Pháp luật đã quy định rõ nhưng thường người vi phạm không ý thức được hành động của mình có thể dẫn tới việc vi phạm pháp luật. Họ bình luận, chia sẻ, phát tán hình ảnh mà không ý thức được hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.

Tùy theo mức độ vi phạm, người đăng tải, xúc phạm nạn nhân có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Cuộc ồn ào trên mạng rồi sẽ qua đi, nhưng vết thương, cú sốc tinh thần, sức khỏe để lại cho nạn nhân là khôn lường”, Luật sư Long nhấn mạnh.