Trước đó như báo Phụ Nữ Sức Khỏe đã đưa tin, Nguyễn Tứ Hải (pháp danh Thích Quảng Thiện) đã giả danh bác sĩ để khám chữa bệnh, cấp thuốc cho người bệnh vùng sâu vùng xa.

Để làm rõ sự việc trên, ngày 5/3/2019, phóng viên báo Phụ Nữ Sức khỏe đã tới chùa V.P, tại Quận 5, TP.HCM để gặp ông Nguyễn Tứ Hải.

Tại thời điểm đó, "bác sĩ" Nguyễn Tứ Hải đang ngồi uống cà phê và phì phèo thuốc lá ngay... trước chùa. Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Tứ Hải thừa nhận việc có sử dụng giấy tờ giả và đóng 6 triệu đồng để tham gia lớp đào tạo bác sĩ siêu âm tại bệnh viện Thống Nhất.

Hai hình ảnh khác biệt về ông Nguyễn Tứ Hải

 “Vào cuối năm 2017, đầu 2018, khi đi học lớp sơ cấp vật lý trị liệu tại Viện Y học dân tộc TP.HCM, tôi có quen một học viên cùng khóa tên Thức, anh này nói đang công tác tại Đại học Y Dược TP.HCM. Sau khi quen biết, anh Thức có tư vấn cho tôi làm bằng bác sĩ đa khoa để sau này kiếm lớp siêu âm học thêm với mục đích vừa có thể khám bệnh, vừa có thể siêu âm chẩn đoán… Nghe bùi tai nên tôi đã đưa 5 triệu đồng cho Thức mua “trọn bộ hồ sơ giả” để nộp cho bệnh viện Thống Nhất. Sau khi trót lọt ở khâu xét tuyển, tôi đã tham gia lớp học siêu âm trên. Ngoài bản photo giả về chứng nhận bác sĩ đa khoa của Đại học Y Dược TP.HCM. Tôi không có giấy tờ nào giả nữa”. Ông Hải cam đoan.

Thế nhưng, qua xác minh của Viện Y dược học dân tộc TP.HCM thì trong khóa đào tạo sơ cấp về xoa bóp bấm huyệt cùng với ông Nguyễn Tứ Hải từ tháng 12/2017 đến tháng 2/2018 không có ai tên Thức. Hơn nữa, ngoài bản photo chứng nhận giả bác sĩ đa khoa của Đại học Y Dược TP.HCM, ông Nguyễn Tứ Hải còn có bản photo chứng nhận giả bác sĩ đa khoa do trường Đại học Y Dược Cần Thơ cấp. Trong đó có một bằng được sử dụng làm chứng chỉ siêu âm. Một bằng bác sĩ đa khoa kèm giấy chứng chỉ hành nghề giả để đi khám chữa bệnh từ thiện.  

Chứng chỉ hành nghề giả của ông Hải sử dụng để đi khám chữa bệnh

Bà Nguyễn Thị Lam phụ trách đội khám chữa bệnh lưu động Tâm Phúc (thuộc hội chữ Thập đỏ Q.Tân Bình, TP.HCM) - người thường mời ông Nguyễn Tứ Hải tham gia các chuyến đi khám chữa bệnh từ thiện xác nhận ông Nguyễn Tứ Hải khi tham gia nhóm có nhận là bác sĩ đa khoa và có cả chứng chỉ về vật lý trị liệu: “Ông Hải có nộp cho tôi bản photo bằng bác sĩ đa khoa do trường Đại học Y Dược Cần Thơ cấp”.

Liên hệ với phía trường đại học Y Dược Cần Thơ để làm rõ bằng bác sĩ đa khoa mà ông Nguyễn Tứ Hải đang sở hữu thì được biết, trường Đại học Y Dược Cần Thơ không cấp bằng cho ai là Nguyễn Tứ Hải có những thông tin trên vào năm 2012.

Quá trình điều tra phóng viên được biết, trong nhóm từ thiện mà ông Nguyễn Tứ Hải tham gia, có một đối tượng là H.Q.H từng bị xử phạt 4 năm tù vì tội làm bằng chứng chỉ bác sĩ, dược sĩ giả. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tứ Hải lại cho rằng không quen với đối tượng này. Theo ông Nguyễn Tứ Hải: “Tôi từng gặp ông H.Q.H khi cùng tham gia một chuyến đi khám chữa bệnh từ thiện vào năm 2018, sau đó tình cờ gặp nhau khi đi từ thiện ở Cần Thơ.”

Ông Nguyễn Tứ Hải "mạo danh" bác sĩ trong đoàn thiện nguyện năm 2018

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Lam trưởng đoàn y bác sĩ Tâm Phúc khẳng định, Nguyễn Tứ Hải quen biết H.Q.H từ trước 2018. Chính Nguyễn Tứ Hải là người đã giới thiệu H.Q.H cho bà Lam và ngoài những chuyến đi từ thiện trong nước thì hai người này còn tham gia cả chuyến từ thiện ở nước ngoài.

Không chỉ có vậy, đối tượng H.Q.H cũng chỉ là điều dưỡng nhưng quá trình tham gia đoàn từ thiện Tâm Phúc lại có danh nghĩa là bác sĩ, thâm chí Th.s, TS thính học- chuyên khoa răng hàm mặt. Chính vì danh xưng này mà trong một chuyến từ thiện, bác sĩ Lam phụ trách đoàn đã bố trí cả một khu cho H.Q.H khám chữa bệnh cho trẻ em, người khiếm thính, câm điếc. Đều đáng nói là H.Q.H ngoài việc làm bằng giả còn bị một số người tố cáo thường xuyên lợi dụng “mác” bác sĩ để lừa đảo khi gắn máy trợ thính cho trẻ câm điếc, khiếm thính. Thậm chí anh ta còn bị tố cáo “trục lợi”, ăn chặn phần từ thiện của một số mạnh thường quân.

Ngoài những “bằng cấp” bác sĩ dỏm, chúng tôi còn phát hiện ông Nguyễn Tứ Hải còn có một bản sao y chứng thực về chứng chỉ hành nghề bác sĩ đa khoa.

Trao đổi với Sở Y tế TP.HCM khẳng định, không cấp chứng chỉ hành nghề nào cho ông Nguyễn Tứ Hải sinh ngày 13/1/1972. Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh số 0035467/HCM-CCHN, cấp ngày 15/4/2016 là cấp cho ông P.V.P, sinh năm 1950, phạm vi hoạt động chuyên môn: Khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Sau khi tiếp nhận phản ánh từ phóng viên, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn Phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, sở Y tế TP.HCM đã chuyển trường hợp này sang Thanh tra Sở Y tế tiếp tục kiểm tra và xử lý theo quy định.

Trước phản ánh của bạn đọc báo Phụ Nữ Sức Khỏe về việc đoàn thiện nguyện do bác sĩ Lam (phụ trách đội thiện nguyện Tâm Phúc) khi đi khám chữa bệnh ở tỉnh đã sử dụng trang phục có logo bệnh viện Thống Nhất. Phía bệnh viện Thống Nhất cho biết sau khi nắm được thông tin trên đã yêu cầu bác sĩ Lam không được sử dụng thương hiệu, tên tuổi, trang phục logo bệnh viện trong quá trình đi từ thiện mà chưa được phép.

Một mạnh thường quân tố cáo bị lừa máy trợ thính vì tin tưởng vào bác sĩ giả ("bác sĩ" này có tham gia một số chuyến từ thiện trong đoàn Tâm Phúc)

Ngoài việc sự việc trên, phóng viên còn nhận được phản ánh từ một bác sĩ tên N.H là ông không hề đăng ký tham gia, không cung cấp hồ sơ, giấy tờ cho đoàn thiện nguyện Tâm Phúc. Nhưng không hiểu sao lại thường xuyên có tên trong danh sách đăng ký đi khám chữa bệnh của đoàn này. “Họ tự ý lấy giấy tờ và đưa tên tôi vào danh sách, năm 2018 tôi bận công tác và đi học thì thời gian đâu mà đi từ thiện. Tôi cũng không hiểu vì sao họ có chứng chỉ hành nghề và bằng bác sĩ của tôi để đưa vào danh sách". Bác Sĩ N.H bức xúc.

Khi phóng viên đem những thông tin trên trao đổi với ông Đỗ Văn Ánh - Phó chủ tịch hội chữa Thập đỏ quận Tân Bình, ông Ánh cho rằng: “Chúng tôi chỉ cấp giấy giới thiệu, còn công tác, nhân sự thì giao bác sĩ Lam phụ trách. Hoạt động như thế nào, cấp phép và hồ sơ bằng cấp thì do các Sở y tế các tỉnh họ kiểm tra giám sát…"

"Tuy nhiên, trước thông tin mà báo chí cung cấp như có người không phải bác sĩ cũng tham gia khám chữa bệnh, siêu âm… khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, làm méo mó đi hình ảnh của từ thiện nên chúng tôi sẽ rà soát lại và chấn chỉnh cho tốt hơn”.

Theo các chuyên gia y tế, việc khám chữa bệnh, sử dụng thuốc nếu không có chuyên môn, chẩn đoán không đúng, sử dụng thuốc tùy tiện thì không những không có hiệu quả cho người bệnh mà còn có thể gây tác hại cho sức khỏe. Do đó, không thể lấy danh nghĩa từ thiện để… làm gì thì làm!