Vị sư có hai “bằng bác sĩ” đa khoa giả

Theo điều tra của phóng viên báo Phụ Nữ Sức Khỏe, ông Nguyễn Tứ Hải (sinh ngày 13/1/1972, quê quán Đồng Nai), có pháp danh là Thích Quảng Thiện hiện đang tu tại chùa V.P (Quận 5, TP.HCM).

 
Giấy tờ giả mang tên Nguyễn Tứ Hải

Trong quá trình tu tại chùa V.P, ông Hải có tham gia vào một số chuyến đi từ thiện. Trong đó có nhiều chuyến đi khám bệnh, cấp phát thuốc cho vùng sâu vùng xa. Trong một số chuyến đi, ông Hải “tự phong” là bác sĩ, đồng thời khám bệnh, siêu âm cũng như cấp phát thuốc cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế tháng 3/2018, ông Hải mới được cấp chứng chỉ… sơ cấp về xoa bóp bấm huyệt - vật lý trị liệu theo khóa đào tạo của Bệnh viện Châm cứu Trung ương tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.

Theo quy định, để tham gia đoàn khám chữa bệnh, các đơn vị - tổ chức thiện nguyện phải đăng ký danh sách và cung cấp các giấy tờ pháp lý liên quan như bằng cấp, chứng chỉ hành nghề… để Sở Y tế địa phương xem xét cấp phép khám chữa bệnh, cấp thuốc.

Chỉ có chứng chỉ sơ cấp nhưng ông Nguyễn Tứ Hải vẫn ngang nhiên khám bệnh

Từ câu hỏi trên, chúng tôi tiến hành rà soát thì bất ngờ phát hiện ông Nguyễn Tứ Hải có tới… hai bản “Bác sĩ đa khoa” chứng thực sao y bản chính giả. Một là bản photo công chứng bằng bác sĩ đa khoa mang tên Nguyễn Tứ Hải sinh ngày 13/1/1972 do trường đại học Y Dược Cần Thơ cấp ngày 8/7/2012, mang số hiệu 510166 vào sổ cấp bằng 458. Hai là bản photo chứng thực sao y  bằng bác sĩ đa khoa mang tên Nguyễn Tứ Hải do Đại học Y Dược TP.HCM cấp ngày 9/9/2010, mang số hiệu 008334 số vào sổ: 28-0196/BSĐK 04.

Với hai bản trên, cùng với bản photo chứng chỉ hành nghề có chứng thực, ông Nguyễn Tứ Hải vừa sử dụng để đi theo các đoàn khám chữa bệnh từ thiện ở nhiều tỉnh thành như Cần Thơ, Lâm Đồng, Trà Vinh, Đồng Nai… vừa cả gan để đi làm chứng chỉ siêu âm thật.

“Treo” chứng chỉ phút 89

Theo điều tra của phóng viên báo Phụ Nữ Sức Khỏe, sau khi mua được bản photo bằng bác sĩ đa khoa – Đại học Y Dược TP.HCM, ông Nguyễn Tứ Hải đã sử dụng giấy tờ này để đăng ký học lớp siêu âm 3 tháng tại bệnh viện Thống Nhất.

Chứng chỉ siêu âm của ông Nguyễn Tứ Hải bị "treo" vì dùng giấy tờ giả để đi học

Trao đổi với chúng tôi, ông Hải cho biết, vào cuối năm 2017, trong một lần đi khám bệnh, cấp thuốc từ thiện, ông Hải có quen một số bác sĩ. Thấy ông Hải “thích” đi khám chữa bệnh nên họ chỉ cho ông đi học lớp xoa bóp bấm huyệt – vật lý trị liệu tại Viện Y học Cổ Truyền TP.HCM.

Trong quá trình đi khám chữa bệnh phát thuốc từ thiện, tuy không phải là bác sĩ nhưng ông Nguyễn Tứ Hải vẫn được giao công việc khám chữa bệnh cho người dân. Vậy nhưng, chưa hài lòng với phần việc được phân công là xoa bóp bấm huyệt- vật lý trị liệu, ông Hải còn muốn thực hiện khám, siêu âm, chẩn đoán bệnh nên bày tỏ ý định muốn có chứng chỉ siêu âm cho người bệnh với một số người trong đoàn thiện nguyện.

Nắm bắt được nguyện vọng này, một đối tượng quen biết đã bày cho ông Hải mua hồ sơ giả, nộp cho bệnh viện với mục đích học lớp đào tạo siêu âm để hoạt động.

Ông Nguyễn Tứ Hải siêu âm cho người bệnh nhưng... chưa được cấp phép khám chữa bệnh

Đầu năm 2018, biết tin bệnh viện Thống Nhất mở lớp đào tạo bác sĩ siêu âm, ông Nguyễn Tứ Hải đã mua bằng giả bác sĩ đa khoa của Đại học Y Dược TP.HCM để làm thủ tục tham gia lớp học. Đến tháng 8/2018 thì khóa học kết thúc, dự kiến tháng 9/2018 chứng chỉ của ông Hải sẽ được in ấn xong, chỉ chờ ngày… trao tay.

Thế nhưng, đến “phút 89” trước khi trao chứng chỉ siêu âm cho các học viên, bệnh viện Thống Nhất nhận được phản ánh nghi vấn bản photo công chứng bằng bác sĩ của ông Hải là bằng giả nên đã tiến hành gửi công văn cho Đại học Y Dược để xác minh vụ việc.

Ngay sau đó, phía Đại học Y Dược TP.HCM khẳng định, bằng đại học y dược mang tên Nguyễn Tứ Hải trên là giả. 

Ngày 18/10/2018, lãnh đạo bệnh viện Thống Nhất đã quyết định không cấp chứng chỉ siêu âm cho ông Nguyễn Tứ Hải.

Câu hỏi được đặt ra: Ngoài "sở thích" khám chữa bệnh, ông Hải còn có mục đích gì khác? Ai là người bán giấy tờ giả cho ông Hải? Lộ diện một tổ chức từ thiện mượn danh bác sĩ để khám bệnh từ thiện. Cơ quan chức năng trả lời ra sao về sự việc này?

Mời các bạn đón đọc bài 2: Nhà sư kiêm "bác sĩ rỏm" hút thuốc lá ngay trước chùa