Hôm nọ có ba mẹ dẫn con đi đến khám vì lo con mình hơi bị bất thường. Ba bảo, con em dạo này thay đổi tính tình, rất khó chịu, phản ứng quá mức, em thấy lo không biết con em có bất thường gì hay không.

Mẹ ngồi gật đầu cái rụp. Tưởng mình đang nói về một trẻ vị thành niên, ai dè nhìn sang thấy một bé nhỏ mới hơn 1 tuổi.

Trẻ ngồi trong lòng ba mẹ, nhìn vẻ vui tươi, mắt nhìn lanh lợi, nhìn cô bác sĩ với dáng vẻ tò mò, hơi phấn khích với những thứ mới lạ trong phòng khám.

Cô bác sĩ nói được vài câu với ba mẹ hỏi thăm cơ bản, đang định qua chơi với bé thì tự nhiên bạn nhỏ nhìn thấy cái đồ chơi xinh đẹp của tôi, giơ tay chỉ đòi.

Ảnh minh họa: Internet

Sau đó một giây là một tiếng còi hụ to hơn xe cứu hỏa khi đi chữa cháy, phát ra từ cái miệng nhỏ xíu xinh xinh, gương mặt xinh đẹp nhỏ nhắn cũng tự dưng biến hình rúm ró, nước mắt tèm nhem, nhìn ba mẹ, chỉ vào đồ chơi muốn lấy của mình.

Sau đó chỉ một phần ngàn của giây, bà mẹ nhanh hơn người nhện, ôm chặt lấy con, đứng dậy vỗ về rối rít giống như trời sắp sập tại phòng khám của tôi vậy. Muốn ngã ra vì phản xạ nhanh nhẹn đến bất ngờ.

Ba cũng đứng dậy, bảo mẹ đưa lại cho ba để mẹ nói chuyện với bác sĩ. Mẹ đưa bé qua cho ba, rồi lịch sự ngồi lại nói chuyện tiếp.

"Chị thấy không, bé em giờ phản ứng ghê vậy đó, cái gì cũng khóc!”, nói chưa kịp dứt câu, mẹ lại đứng lên giành lại đứa bé từ ba, mà phải chi có gì cho cam. Vẫn là một đứa bé khóc lóc và vẫn là cách dỗ bình thường: "Nín đi con! Nín đi!", ba mẹ đều làm y như vậy.

Ảnh minh họa: Internet

Cô bác sĩ bảo mẹ bỏ con xuống cho con ngồi dưới đất, để con tự bình tĩnh lại nào!

Mẹ lừng khừng nghe theo làm được đúng 1 giây là lại nhỏng bế con lên, ba xem như là người dưng, vì ba cứ xen vào là mẹ lại gạt đi!

Đứa trẻ con thì mất bình tĩnh luôn, cảm xúc như tên lửa xẹt thẳng một phát lên trời, vẫn nhìn bác sĩ với con mắt không sợ hãi, vẫn chỉ vào cái đèn mình muốn, nhưng giờ có đưa bé cũng vẫn khóc như thường! 

Cô hỏi mẹ:

- Một ngày ở nhà bao nhiêu lần bé như thế này vậy em?

- Dạ hơn chục lần!

- Em có bao giờ để bé khóc khoảng 5-10 phút để xem bé có tự nín được hay không?

Chồng lắc đầu hăng hái. Vợ liếc chồng rồi nói:

- Dạ em không đợi được, con em khóc em xót quá. Nó khóc nó khàn tiếng viêm họng thì tội nó luôn! 

- Trời, ai nói khóc la khàn tiếng rồi viêm họng? Em cãi nhau với chồng, hát karaoke quá đà, em có khàn tiếng không? Ai cũng vậy thôi, khàn thôi rồi xong. Chứ chị hỏi thiệt, em có mệt vụ này chưa vậy?

- Dạ em đuối lắm rồi!

- Vậy sao em chưa từ bỏ?!!!

- Dạ em thương con em lắm! 

Có những cái sự thương xót của người lớn cho con trẻ, tưởng là thương, mà thật ra hại và dại muôn phần!

Đứa trẻ mới hơn 1 tuổi, vì sự thương quấn quýt của ba mẹ mà không biết học cách kiềm chế bản thân, tự trấn an bản thân, tự bình tĩnh lại.

Ba mẹ vì sự thương xót con không lý trí, ngỡ mình là phao cứu sinh của con, hóa ra lại biến mình thành nguyên nhân gây ra những thói quen phát triển xấu cho con mà mình hoàn toàn không mong muốn.

Ảnh minh họa: Internet

Đứa trẻ bất an không tự kiểm soát được bản thân, với một ba/mẹ bất an không tự kiểm soát được cảm xúc bản thân về con cái, từ việc nhỏ nhất là khóc dỗi đòi. Thật sự ra là một kết hợp lâu dài mệt mỏi, không hiệu quả và tiêu cực cho cả hai bên.

Đứa trẻ lớn lên sẽ càng dỗi, càng cần ba mẹ để dỗ dành. Người làm ba mẹ càng lúc càng căng thẳng, buồn bực và đôi khi sẽ sử dụng bạo lực “thử” để cho trẻ nín. Khi thấy trẻ càng làm tới!

Đôi khi nghĩ đến việc tìm một chẩn đoán bệnh cho con, mà không thể nghĩ đến việc mình chính là nguyên nhân gây “bệnh” cho con!

Giống như gia đình này, gặp bác sĩ với mong muốn tìm ra bệnh, được kê thuốc, để dứt vấn đề mà họ thấy mệt mỏi.

Và khi bác sĩ bảo, chính anh chị mới là liều thuốc chính của con, họ nghi ngờ, hối tiếc vì gặp bác sĩ “tào lao” và mệt mỏi lo sợ khi nghĩ đến việc mình cần phải nghe tiếng khóc của con trong bình tĩnh. Vì họ không bình tĩnh được.

Ảnh minh họa: Internet

Nhiều khi ba mẹ ông bà đến với bác sĩ, chỉ mong tìm ra bệnh và bác sĩ tự chữa bệnh cho con chứ không nghĩ là mình sẽ phải làm thêm việc sau khi gặp bác sĩ!

Nhưng họ lại không biết rằng khi thật sự có một chẩn đoán “bệnh” cho một bất thường phát triển hành vi, tâm lý của một đứa trẻ, đó không phải là một dấu chấm hết mà là một sự bắt đầu cho một câu chuyện rất rất dài.

Bạn có đủ bình tĩnh để giúp con bạn tự bình tĩnh chưa? 

Hãy nhớ lời khuyên này của mình cho cả năm nay các bạn nha: Yêu thương bằng con tim và lý trí.