Ảnh: BV.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (TP Cần Thơ), sản phụ quê ở Vĩnh Long nhập viện chờ sinh. Sau 45 phút chuyển dạ, sản phụ sinh thường được một bé gái nặng 3,5kg. Điều bất ngờ là trong bánh nhau của người mẹ có chiếc vòng tránh thai.

Việc phụ nữ đặt vòng tránh thai nhưng vẫn có con là khá hiếm, chỉ xuất hiện với tỉ lệ khoảng 2% trên thế giới. Những trường hợp này không phải trường hợp nào cũng có thai kỳ an toàn, một số trường hợp có thể sảy thai hoặc sinh non. Tuy nhiên, rất may mắn ở hiện tại, sức khỏe của mẹ và bé ổn định và đã được xuất viện.

Từ trường hợp này, các bác sĩ đưa ra khuyến cáo, phụ nữ sau khi đặt vòng tránh thai cần lưu ý:

Tái khám sau 1 tháng, khám định kỳ mỗi 6 tháng để xác định vòng đặt đúng vị trí.

Cần đi khám ngay khi có các biểu hiện bất thường như đau quặn bụng, ra huyết bất thường hoặc chậm kinh...

Thay vòng tránh thai khi đến thời hạn để tránh các nguy cơ nhiễm trùng.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc cũng đưa ra những lưu ý về các trường hợp không nên sử dụng vòng tránh thai. Theo đó, vòng tránh thai là một biện pháp tránh thai tương đối lâu dài. Vì vậy, nếu người phụ nữ còn trẻ hoặc có dự định sinh con trong một vài năm thì nên sử dụng một biện pháp tránh thai khác.

Phụ nữ đang bị viêm nhiễm phụ khoa thì cần chữa khỏi bệnh mới đặt vòng.

Phụ nữ đang có thai hoặc nghi ngờ có thai thì không nên đặt vòng tránh thai.

Phụ nữ có tiền sử mắc trong vòng 3 tháng hoặc đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục không được đặt vòng tránh thai.

Phụ nữ bị ung thư vú hoặc u ác tính đường sinh dục cũng không được chỉ định đặt vòng tránh thai.

Phụ nữ có dị tật do bẩm sinh hoặc thứ phát ở tử cung, vùng chậu cũng không thích hợp đặt vòng tránh thai.

Những phụ nữ có nhiều bạn tình cũng không nên sử dụng biện pháp này vì vòng tránh thai không có khả năng ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hoặc, cũng có thể sử dụng kết hợp với bao cao su để ngăn ngừa lây nhiễm.