Sổ mũi là một trong những triệu chứng không gây nguy hiểm và thường xảy ra khi thời tiết thay đổi đột ngột gây kích ứng viêm mạc mũi. Tuy nhiên, vẫn có một số tình trạng hoặc bệnh tật gây sổ mũi và nghẹt mũi kéo dài hơn và đi kèm với các triệu chứng khác hoặc trở nên nghiêm trọng. Bên cạnh đó, do sức đề kháng của trẻ còn non yếu nên có thể bị lây sổ mũi từ môi trường đông đúc tại trường học. 

Trẻ bị sổ mũi khi mới đi học, bố mẹ cần làm gì?

Trả lời câu hỏi này trong chương trình giao lưu trực tuyến cùng báo điện tử Phụ nữ sức khỏe, bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) cho biết, trước khi cho trẻ đi học, ngoài việc chuẩn bị một tâm lý hòa nhập cho con thì bố mẹ nên cho bé đi tiêm ngừa đầy đủ các bệnh như sởi, cúm,... để tránh bị bệnh khi tiếp xúc ở môi trường đông người.

Sổ mũi là tình trạng thường gặp ở trẻ vì sức đề kháng lúc này của bé còn rất yếu. (Ảnh minh họa: Internet)

Bên cạnh đó, bố mẹ phải tuân thủ việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho con trước và sau khi đến trường. Cụ thể, sau khi từ trường về nhà, bố mẹ cần vệ sinh mũi cũng như thay quần áo, lau người cho trẻ để tránh các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, cần tập cho con thói quen rửa tay sạch sẽ, về lâu về dài điều này sẽ giúp bé tăng cường hệ miễn dịch.

Ngoài ra, bố mẹ không nên dùng máy để hút dịch mũi hoặc bơm, rửa mũi cho con bởi đây có thể là một hành động nguy hiểm với con trẻ. Bởi bạn không thể biết được áp lực chính xác của dụng cụ tác động lên khoang mũi của con. Nếu lực quá mạnh có thể gây tổn thương niêm mạc. Ngoài ra, phản xạ nuốt của trẻ nhỏ còn rất yếu, nếu bơm quá nhanh sẽ làm con bị sặc vào phổi.

Thêm vào đó, các dụng cụ bơm, rửa không thể sạch hoàn toàn bằng cách tẩy, rửa thông thường nên sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng cho bé. Lưu ý, các động tác khi vệ sinh mũi cho trẻ cũng cần thực hiện nhẹ nhàng, tránh quá thô bạo có thể khiến trẻ bị sang chấn tâm lý. Lâu dần sẽ tạo nên nỗi sợ vô hình cho trẻ khi bị bất cứ đồ vật gì đưa đến mặt.

Cách phòng chống sổ mũi ở trẻ

Trước khi cho trẻ đi học, bố mẹ nên tiêm phòng đầy đủ cho con các mũi như như: Sởi, rubella, quai bị, cúm,...

Vệ sinh sạch sẽ là cách tốt nhất để trị chứng sổ mũi ở trẻ. (Ảnh minh họa: Internet)

Tại trường lớp cũng như ở nhà, trẻ cần được rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi vui chơi ở nơi công cộng, không dùng chung khăn mặt, đồ chơi bẩn… Sàn nhà và các vật dụng cho trẻ cần được tẩy rửa và sát trùng khi có dấu hiệu bệnh dịch lây lan.

Xây dựng một chế độ dinh dưỡng phong phú và khoa học cho trẻ để tăng cường sức đề kháng, chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus.

Đi ra ngoài về là phải vệ sinh mũi với nước muối sinh lý; đồng thời tránh cho trẻ tiếp xúc với khói bụi và khói thuốc. Ngoài ra, luôn vệ sinh cơ thể trẻ thật sạch sẽ.

Hạn chế tối đa trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh và không để nhiệt độ nơi bé sinh hoạt quá nóng hoặc quá lạnh.

>>> Đọc thêm: Phòng bệnh cho trẻ mầm non mùa tựu trường cùng bác sĩ Trương Hữu Khanh