Bác sĩ Nhi giải đáp: Độ tuổi cho bé đi nhà trẻ hợp lý và những việc cha mẹ cần chuẩn bị
Khi nào bé có thể đi nhà trẻ?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết không có độ tuổi nào nhất định bé đi nhà trẻ. Trên thực tế, việc bé đi nhà trẻ tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình, khả năng nhận biết, hòa nhập của trẻ và đặc biệt là khả năng huấn luyện của người chăm trẻ. Thông thường, bé sẽ đi nhà trẻ ở tháng thứ 15.
"Nếu cha mẹ cho bé đi nhà trẻ quá sớm (trước 18 tháng), con có thể dễ bị bệnh vặt vì hệ miễn dịch còn non yếu. Sau 2, 3 tuổi, cha mẹ cho bé đi trẻ thì hơi muộn. Lúc này, bé sẽ trở nên khó hòa nhập và có thể chậm nói. Quan trọng nhất là chuẩn bị trước khi đi nhà trẻ và quan sát tâm lý trẻ sau khi đi trẻ", bác sĩ Khanh thông tin.
Đề phòng bệnh vặt cho bé khi đi nhà trẻ, bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý các bậc cha mẹ nên tiếp tục cho con bú để duy trì lượng kháng thể mẹ cho con. Đồng thời, nên cho trẻ tiêm phòng đầy đủ. Khi trẻ đi học về nên thay quần áo, nhỏ mũi, làm bấc sâu kèn để lấy nước mũi đọng lại cả ngày ở lớp.
Trước khi đi nhà trẻ, cha mẹ nên rèn cho con giờ ngủ, giờ đi vệ sinh, giờ ăn và rèn cho con tập cầm thìa. Song song đó, cha mẹ cũng nên chuẩn bị tâm lý về việc đi trẻ bằng những câu chuyện, tâm sự. Thậm chí, cha mẹ cũng cần giải thích cho ông bà biết vì sao nên cho bé đi nhà trẻ sớm.
“Nếu cần thiết có thể cho bé đến nhà trẻ chơi trước hoặc tập cho con đi vài buổi để biết”, bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.
Cha mẹ cần chuẩn bị gì cho bé khi đi nhà trẻ?
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, những em bé có biểu hiện sau chưa thể đi nhà trẻ, cha mẹ cần phải rèn luyện thêm:
Bé chưa quen xa cha mẹ và người chăm sóc.
Bé chưa tự đi vệ sinh hoặc vẫn còn tiểu dầm trong lúc ngủ trưa.
Bé chưa biết nhai thức ăn đặc và chưa tự ăn bằng thìa.
Bé chưa hiểu được rõ những điều người khác nói và cũng chưa đủ ngôn ngữ để bày tỏ nhu cầu của mình. Bé chưa tự chăm sóc bản thân cũng như chưa biết tự bảo vệ khi bị các anh chị lớn hơn bắt nạt.
Bên cạnh đó, những bé đã đi nhà trẻ nhưng có biểu hiện sau cha mẹ cũng cần chú ý vì có thể con đang gặp vấn đề:
Bé có biểu hiện thoái lùi. Ví dụ: Trước đây bé biết chỉ vào quần cho biết bé muốn đi vệ sinh nhưng bây giờ lại tiêu tiểu trong quần. Hoặc trước đây bé nói được nhiều từ nhưng bây giờ chỉ còn biết kêu "ba, má" mà thôi.
Bé tự thu mình lại, không muốn tiếp xúc với người khác, chỉ chơi một mình.
Bé bám vào cô giáo suốt ngày.
Bé cảm thấy bị bỏ rơi và có vẻ mặt u buồn.
Tối bé ngủ không tốt, hay quấy khóc, giật mình, gặp ác mộng.
Bé có vẻ mệt mỏi vào cuối ngày.
Bé bị chàm, đau họng thường xuyên.
Sáng nào đi học bé cũng khóc.
Cô giáo lo ngại cho sức khỏe của bé.
Sau cùng, những bé đi nhà trẻ hòa nhập với môi trường mới sẽ có biểu hiện: Quan sát thấy con biết nghe theo lời hướng dẫn của người lớn, biết chơi với bạn cùng lứa.
Bé thích cầm bút viết, cầm bảng, thích xem tranh ảnh, biết gọi và biết tự đi vệ sinh. Ngoài ra, theo bác sĩ Khanh, những bé tò mò, thích tìm hiểu cái mới sẽ ít sợ việc đi nhà trẻ hơn bạn bè.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...