Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường dễ mắc các bệnh về mắt, như mắt đổ ghèn nhiều, viêm tắc tuyến lệ. Tùy theo nguyên nhân mà trẻ có những biểu hiện khác nhau, theo mức độ nặng nhẹ. Trường hợp bị nặng bé có thể gặp các triệu chứng như mắt đỏ, xuất hiện có mủ hay dính chặt lại với nhau.

Xử trí đúng cách khi trẻ bị ghèn sẽ giúp cho trẻ mau hồi phục, ngược lại nếu mẹ chữa trị cho bé sai phương pháp, mắt trẻ dễ bị biến chứng nặng.

Vì sao mắt trẻ đổ nhiều ghèn?

Trao đổi với phóng viên Phụ nữ Sức khỏe, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, nguyên nhân khiến mắt trẻ bị đổ nhiều ghèn sau sinh có thể là do trong lúc sinh, dịch nước ối và máu chảy vào mắt trẻ. Đây là hiện tượng nhiễm trùng thông thường hay gặp ở trẻ mới sinh.

Ảnh internet.

Tắc tuyến lệ ở trẻ mới sinh cũng là một trong những nguyên nhân đổ ghèn ở trẻ nhỏ. Theo ước tính có đến 6% trẻ sơ sinh gặp phải tình trạng này. Bệnh tắc tuyến lệ rất khó phát hiện vì sau sinh em bé thường ngủ nhiều. Vì vậy chỉ đến khi bé được vài tháng tuổi, các dấu hiệu bệnh mới trở nên rõ ràng.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tắc tuyến lệ là mắt lúc nào cũng ướt như vừa khóc. Đặc biệt, mỗi sáng ngủ dậy, mắt  thường có nhiều rỉ vàng, dính quanh mí mắt.

Bên cạnh đó, việc giữ vệ sinh mắt bé kém cũng làm rỉ mắt xuất hiện nhiều hơn khiến con trẻ khó mở được mắt do ghèn bết dính lại. Nếu để lâu ngày có thể gây ra viêm kết mạc cho trẻ. Ngoài ra, việc tay bẩn của trẻ hoặc người lớn vô tình chạm vào hoặc có vật lạ rơi vào mắt con thì phản ứng bình thường của cơ thể sẽ tự động tạo ghèn ở mắt bé. 

Chăm sóc mắt trẻ như thế nào cho đúng?

Theo Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Từ Anh, Bệnh viện Từ Dũ cho biết: "Các mẹ có thể nhỏ Natri clorid 0,9% cho bé mỗi ngày 6 lần, dùng đầu ngón út day tròn theo chiều kim đồng hồ lên đuôi mắt (phần sát sống mũi) ngày 6 lần. Lưu ý trước khi nhỏ thuốc và day mắt thì phải rửa sạch tay bằng xà bông. Làm trong khoảng 5-10 lần, lặp lại sáu lần mỗi ngày để giúp bé thông tuyến lệ".

Ảnh minh họa.

"Nếu mắt bé bị đổ ghèn nhiều các mẹ cũng không nên quá lo lắng vì đây là hiện tượng thông thường ở trẻ sơ sinh. Trong trường hợp các liệu pháp trên không đem lại tác dụng thì các bậc cha mẹ phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế. Đồng thời, không tự ý mua và sử dụng bất kỳ loại thuốc nhỏ mắt nào cho con khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa", Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ thêm.

Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi các liệu pháp trên không đem lại tác dụng. Ảnh Internet

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng mọi trẻ sơ sinh phải được lau mắt ngay sau sinh và phải được nhỏ nitrate bạc 1% hay tra thuốc mỡ mắt tetracycline 1% trong vòng 1 giờ sau sinh. Mọi sự chăm sóc sau đó, mẹ có thể tham khảo lời khuyên của bác sĩ.