heo thông tin từ BS. Nguyễn Trí Thức - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: Tiêu chảy là bệnh phổ biến nhất ở trẻ em. Bé bị tiêu chảy khi đi đại tiện ≥ 3 lần trong 24 giờ và phân đại tiện ra phải lỏng.

Tiêu chảy còn là nguyên nhân hàng đầu gây ra suy dinh dưỡng. Lý do chính là trẻ ăn ít đi trong khi bị tiêu chảy và khả năng hấp thu chất dinh dưỡng cũng bị giảm một phần, trong khi đó nhu cầu dinh dưỡng của trẻ lại cần phải cao hơn để chống lại bệnh.

Theo bác sĩ Thức, hầu hết các trường hợp trẻ bị tiêu chảy đều được điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi đó, những người trong gia đình, nhất là mẹ giữ một vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành công trong việc chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà. Nếu biết chăm sóc trẻ đúng cách, trẻ sẽ tránh được nguy hiểm, mau lành bệnh và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà:

Thứ nhất, cho trẻ uống nhiều nước hơn thường ngày để ngừa mất nước do tiêu chảy.

Trẻ bị tiêu chảy cần nhiều dịch hơn bình thường để bù lại lượng dịch đã mất qua phân và chất nôn ói.  Cho trẻ uống nhiều tùy theo khả năng của trẻ, cần phải uống chậm, từng muỗng.

Sữa mẹ vừa là thức ăn vừa là loại “nước” rất tốt, vì thế nên cho trẻ bú mẹ nhiều hơn và mỗi bữa cho bé bú lâu hơn.

Có thể cho trẻ uống thêm các loại nước sau: Nước canh, nước cháo, sữa đậu nành, sữa chua, nước trái cây như cam vắt (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước dừa tươi. Cần tránh các loại nước giải khát, nước ép trái cây quá ngọt vì chúng làm cho bệnh xấu hơn. Tuy nhiên nếu trẻ quá “thèm”, có thể pha loãng ít nhất 3 - 4 lần.

Để ngừa mất nước, cho trẻ uống dung dịch Oresol  sau mỗi lần trẻ tiêu lỏng. Oresol là một dung dịch điện giải, không có tác dụng cầm tiêu chảy nhưng rất hiệu quả trong việc bù lại số lượng nước và các chất điện giải bị mất qua phân. Cách pha dung dịch Oresol: Một gói pha với 1 lít nước đun sôi, lượng uống tùy theo lứa tuổi. Nếu không có Oresol có thể pha nước muối đường theo tỷ lệ: 1 muỗng cà phê muối - 8 muỗng cà phê đường - 1 lít nước cho người bệnh uống.

Cho trẻ ăn và bú nhiều bữa hơn thường ngày để có sức, mau lành bệnh

Chế độ ăn thích hợp cho trẻ bị tiêu chảy cấp là đủ dưỡng chất và cân đối giữa sữa và thức ăn đặc, phù hợp với lứa tuổi. Bởi vì, khi trẻ bị tiêu chảy thì chức năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn đặc và sữa đều bị tổn thương, nên nếu cho bé ăn lệch nhiều một loại thức ăn cũng sẽ làm “quá tải” phần ruột này.

Một số trẻ bị tiêu chảy nhiều hơn rõ rệt sau khi dùng sữa, phân thường tóe nước, có mùi chua và gây hăm đỏ da vùng hậu môn. Khi đó trẻ nên giảm sữa (ăn đặc nhiều hơn để bù lại năng lượng) hoặc dùng sữa có ít hoặc không có đường lactose.

Cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày. Thức ăn cần nấu nhừ. Không kiêng ăn, kiêng sữa. Không cần pha loãng sữa.

Tuyệt đối không bắt trẻ nhịn ăn để “ruột nghỉ ngơi”. Điều này rất sai lầm và nguy hiểm. Thực tế dù trẻ bị tiêu chảy nhưng vẫn còn khả năng hấp thu hơn 70% chất dinh dưỡng.

Cho trẻ tái khám đúng lúc để được theo dõi và xử lý kịp thời khi bệnh diễn tiến nặng hơn.

Tiêu chảy thường giảm sau 5 - 12 ngày, trẻ bắt đầu chơi và đòi ăn trở lại và lúc này cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa trong ít nhất 2 tuần để phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, một số ít trường hợp trẻ bị tiêu chảy có diễn biến phức tạp. Trong thời gian chăm sóc tại nhà cần theo dõi và phát hiện những diễn biến không thuận lợi và nhanh chóng đưa trẻ đi khám lại ngay để xử trí kịp thời.