Tại sao bà bầu không được ngồi xổm?

Trong thai kỳ, mọi hoạt động của bà bầu đều được khuyên nên cẩn trọng để không ảnh hưởng đến mẹ và bé. Tư thế ngồi của bà bầu cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Nhiều chuyên gia cho biết, thói quen ngồi xổm của bà bầu trong thai kỳ cần loại loại bỏ nhằm tránh nguy cơ tác động đến cơ thể mẹ và thai nhi. 

BS CK I. Nguyễn Thị Kim Nga, Trưởng Khoa Sản Bệnh viện Quốc Tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, cho biết: "Phần thân dưới và cột sống chịu trách nhiệm nâng đỡ toàn bộ cơ thể. Khi thai lớn, áp lực về trọng lượng càng tăng. Vì vậy, bà bầu ngồi xổm sẽ làm cho phần thân dưới và cột sống bị kéo căng hơn, gây đau và khó chịu".

Bà bầu ngồi xổm sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể, tác động đến thai nhi - Ảnh minh họa: Internet

Tư thế ngồi xổm làm cho các mạch máu ở 2 chân bị ùn tắc, không lưu thông tốt gây ứ trệ tuần hoàn, dẫn đến phù nhiều, dãn tĩnh mạch 2 chân.

Bên cạnh đó, khi thai lớn, tư thế ngồi xổm của bà bầu khiến tử cung và các phần thai sẽ đè lên bàng quang (bọng đái) làm tăng áp lực ở bàng quang gây đau.

Với những nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến mẹ và bé, bác sĩ Nga khuyên bà bầu tuyệt đối không nên ngồi xổm. 

Tư thế ngồi đúng cách cho bà bầu

Theo bác sĩ Nga, bà bầu nên chú ý ngồi đúng tư thế trong suốt thai kỳ. Bà bầu nên ngồi sâu vào trong ghế, mông chạm vào lưng ghế để lưng có được điểm tựa vững. Tư thế ngồi thẳng lưng vai hơi đẩy ra sau, không nên chùng lưng.

Bà bầu nên ngồi sâu vào trong ghế, mông chạm vào lưng ghế để lưng có được điểm tựa vững vàng - Ảnh minh họa: Internet

"Không nên ngồi tư thế bắt chéo chân, khi ngồi cũng không nên gác cao chân, nên để bàn chân được đặt thoải mái trên sàn nhà", bác sĩ Nga chia sẻ. 

Thời gian ngồi một chỗ của bà bầu cũng nên được giới hạn. Bác sĩ Nga khuyên chị em không nên ngồi lâu quá 30 phút. Thay vào đó, nên thường xuyên đứng lên thay đổi tư thế. Khi đứng lên, bà bầu nên nhích mông về phía trước, thẳng chân và từ từ đứng lên, tránh chồm người ra trước để đứng kẻo ảnh hưởng đến cơ thể.