Bác sĩ bệnh viện Nhi cảnh báo bệnh quai bị nếu không điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm
Thời tiết cả nước đang trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm, đây cũng là cơ hội để một số mặt bệnh, đặc biệt là ở trẻ nhỏ phát triển. Tại Trung tâm y học các bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã ghi nhận một số ca mắc tay chân miệng, quai bị, viêm não…
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm y học các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, từ đầu năm đến nay trung tâm ghi nhận rải rác một vài ca mắc bệnh quai bị. Về số ca mắc không tăng so với các năm, nguyên nhân có thể do tình hình dịch COVID-19 nên trẻ mắc bệnh này được điều trị ở tuyến dưới.
Hơn nữa những năm gần đây, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng quai bị ở trẻ gia tăng nên số ca mắc bệnh cũng giảm. Theo tiến sĩ Lâm, đa số trẻ mắc là chưa hoặc không được tiêm phòng đầy đủ. Với những trẻ mắc quai bị, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm, thậm chí còn ảnh hưởng đến cả tính mạng và khả năng sinh sản sau khi trưởng thành.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm cho biết, đa số trẻ mắc quai bị là do tiêm phòng không đầy đủ.
Bệnh quai bị là gì?
Bệnh quai bị thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm Việt Nam. Bệnh nhân được xác định mắc quai bị qua việc xét nghiệm phân lập virus quai bị hoặc xét nghiệm huyết thanh xác định dấu ấn của virus có kết quả dương tính.
Tác nhân gây bệnh là gì?
Bệnh gây nên bởi virus quai bị (Mumps virus), thuộc họ Paramyxoviridae. Virus quai bị có thể tồn tại khá lâu ở môi trường ngoài cơ thể từ 30 – 60 ngày và ở nhiệt độ 15-200 độ C. Thậm chí loại virus còn tồn tại khoảng 1-2 năm ở nhiệt độ âm sâu (từ - 25 độ C tới -700 độ C).
Virus bị tiêu diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 560 độ C, hoặc dưới tác động của tia tử ngoại, ánh sáng mặt trời và những hóa chất khử khuẩn chứa clo hoạt và các chất khử khuẩn bệnh viện thường dùng.
Tại Việt Nam, bệnh quai bị có thể phát tán quanh năm, tuy nhiên thường gặp hơn vào các tháng thu - đông. Tỷ lệ mắc quai bị vào khoảng 10-40 trường hợp trên 100.000 dân, tập trung cao hơn ở các tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên.
Quai bị thường xảy ra ở nhóm trẻ em đi nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc đến trường phổ thông, cũng có thể gặp trên nhóm trẻ lớn hoặc thanh niên và người lớn tuổi với tỷ lệ thấp hơn. Tỷ lệ mắc ở nam giới thường cao hơn nữ.
Dấu hiệu dễ nhận biết bệnh quai bị nhất đó là sưng, đau tuyến nước bọt. (Ảnh minh họa)
Dấu hiệu khi mắc bệnh quai bị
Khi mắc quai bị, thường bệnh nhân có biểu hiện sốt, mệt mỏi, sưng và đau một hoặc nhiều tuyến nước bọt; có thể kèm một hoặc một số triệu chứng: viêm tinh hoàn (ở nam giới, khoảng 20 - 30%) hoặc viêm buồng trứng (nữ giới, khoảng 5%), viêm màng não vô khuẩn, viêm tụy, viêm khớp, viêm thận, viêm tuyến giáp.
Với quai bị thể nhẹ, biểu hiện viêm tuyến nước bọt không rõ ràng: cần được phân biệt với các bệnh sốt nhiễm virus đường hô hấp trên.
Bệnh quai bị lây truyền thế nào?
Quai bị có thời gian ủ bệnh kéo dài, 12-25 ngày (2-3 tuần), trung bình khoảng 18 ngày. Thông thường, virus có trong nước bọt của bệnh nhân quai bị trước khi khởi phát (có sốt, viêm tuyến nước bọt) khoảng 3-5 ngày và sau khi khởi phát khoảng 7-10 ngày. Đây chính là giai đoạn lây truyền của bệnh, trong đó mạnh nhất khoảng 1 tuần xung quanh ngày khởi phát. Virus cũng có thể thấy ở nước tiểu của bệnh nhân trong vòng 2 tuần.
Bệnh quai bị lây theo đường hô hấp. Theo đó, virus có trong các hạt nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng bắn ra ngoài không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi, khạc nhổ, nói chuyện..., người lành hít phải trực tiếp hoặc qua các đồ dùng bị nhiễm dịch hô hấp do bệnh nhân thải ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh.
Những hạt nước bọt chứa virus sống gây bệnh kích thước nhỏ (5-100mm) có thể phát tán mạnh trong phạm vi 1,5m. Những hạt cực nhỏ, dạng khí dung (dưới 5mm) có thể bay lơ lửng nhiều giờ trong không khí ở những không gian kín, gặp gió các hạt khí dung chứa virus có thể phát tán xa hơn.
Các biện pháp phòng bệnh quai bị
- Biện pháp dự phòng chủ động có hiệu quả nhất đối với bệnh quai bị là sử dụng vắc xin quai bị sớm cho trẻ từ 12 tháng tuổi. Chế phẩm dưới dạng vắc xin quai bị đơn hoặc phối hợp với các vắc xin phòng sởi và rubella.
Đây là loại chế phẩm an toàn cao, hiệu lực bảo vệ đạt trên 95%, gây được miễn dịch lâu bền, có thể dùng cả cho người đã từng có miễn dịch. Đối tượng dùng là trẻ em từ 1 tuổi trở lên và cả người lớn chưa có miễn dịch, đặc biệt những người làm việc trong các nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông cấp 1,2, nhân viên khoa lây của bệnh viện.
Tiêm 1 liều duy nhất gây miễn dịch cơ bản, sau đó nên tiêm nhắc lại sau 5 năm, khi trẻ vào học lớp 1 hoặc cho người lớn có nguy cơ cao.
- Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, thường xuyên súc họng bằng dung dịch khử khuẩn hoặc nước muối loãng, đặc biệt chú ý cho nhóm trẻ em nhỏ tuổi.
- Thực hiện vệ sinh môi trường sống, làm thông thoáng nhà ở, tận dụng ánh sáng mặt trời. Có thể tiến hành khử khuẩn không khí nhà ở, buồng bệnh bằng đèn cực tím hoặc phun ULV, xông hơi nóng formalin cho những không gian kín.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...