“Ghét” khắp người

Chị Lương Thanh Hà (27 tuổi, Hà Nội) than thở chị mang bầu bé thứ nhất mới được 8 tháng nhưng toàn thân đen và như có “ghét” bao kín người nhất là vùng cổ. Mỗi lần ra quán gội đầu, nhân viên của quán nghĩ chị Hà “bẩn” nên cố kỳ hết vết đen trên da. Chị Hà đành bảo đó là do mang bầu không phải bẩn.

Trước đây, chị Hà còn thoải mái mặc những chiếc áo cổ khoét sâu còn giờ đây chị mặc kín cổ cao tường. Lúc nào chị Hà cũng ngại nhìn vào gương nhất là ra ngoài đôi lúc thấy xấu hổ như người ở bẩn.

Trường hợp chị Vũ Thị Anh Minh (31 tuổi) mang thai cả hai bé nhưng đến bé thứ 2 chị Minh bị sạm da và ghét vòng quanh da. Chị Minh kể lúc đầu mọi người nói do mang bầu con trai nên thay đổi nội tiết tố và sinh con xong sẽ hết.

Các vùng da dễ bị thâm đen lúc mang thai - Ảnh minh họa: Internet

Nhưng khi sinh con xong một năm nay các vết thâm trên da vẫn con. Cổ và vùng cánh tay như tế bào chết lâu ngày tập trung thành bãi rác. Dù chị cố lấy chanh xát, mua các loại kem làm sáng da nhưng vẫn không ăn thua.

Lúc nào chị Minh cũng sợ phải mang làn da xấu xí này đến già. Chị Minh kể bạn đồng nghiệp của chị lúc mang bầu cũng giống chị. Da nám, sạm trông bẩn bẩn nhưng đẻ được 2 tháng là mờ và bay hết còn chị vẫn... y nguyên.

Đặc biệt, da bụng sau sinh phần rạn da không phục hồi nhưng vùng da bụng bị giãn ra giờ co lại nhưng màu sắc vẫn rất tối. Chị Minh chăm chỉ xoa dầu dừa nhưng chưa thấy hiệu quả.

Theo bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội), những hiện tượng da sạm, da nám, da đổi màu ở phụ nữ mang thai không đáng lo ngại vì đa số sẽ hết khi sinh con. Bác sĩ Dung cho biết những thay đổi đó do nội tiết tố của cơ thể phụ nữ lúc mang thai. Nhất là từ tuần thai thứ 12 trở đi thì cơ thể thai phụ càng thay đổi rõ rệt hơn.

Hiện tượng này do bào thai và nhau thai tiết ra các hoocmon và progesteron tăng kích thích mạnh việc hình thành các phân tử tiền hắc tố melanin khiến da sẫm màu. Những thay đổi này ở các vị trí da mỏng như da cổ, da cánh tay, da bụng, phần da đùi non. Nhiều người than thở họ mặc cảm, xấu hổ với làn da này và lo sợ nó sẽ ảnh hưởng khi sinh xong. 

Tuy nhiên bác sĩ Dung khẳng định nó sẽ mờ dần. Ở một số người, những vùng da sạm màu không hết hẳn nhưng cũng giảm đi nhiều. 

Làm gì để da sáng hơn?

Bác sĩ da liễu Lương Trường Sơn, Phòng khám da liễu Đông Diều (TP.HCM), cho rằng những thay đổi trên da của phụ nữ mang thai do nội tiết tố và sẽ hết khi sinh con. Tuỳ vào cơ địa của từng người mà có người bị có người không.

Khi da bị đổi màu, sạm màu, đen hoặc nâu, bác sĩ Sơn cho rằng không có biện pháp gì làm hết được nó vì do nội tiết tố và phải chờ đợi. Bác sĩ Sơn cho biết một số người những thâm đen, nám sạm chậm bay đi là do nội tiết tố và để thay đổi màu da cần khám chuyên khoa bác sĩ tư vấn có thể sử dụng thuốc làm thay đổi tạo sắc tố melamin chứ các biện pháp như đắp mặt, chà chanh, dùng mỹ phẩm, dầu dừa hay tác động bằng laser đều không có tác dụng trong trường hợp này.

Sau sinh có người sẽ mờ dần nhưng có người mờ chậm, mờ lâu - Ảnh minh họa: Internet

Một số trường hợp bị rạn da trong lúc mang bầu. Các tổn thương này thì không thể phục hồi và nó sẽ tạo ra những mảng da xấu xí, sẫm màu. Bác sĩ Sơn cho rằng các vết rạn da sẽ không biến mất sau khi sinh, bị có một số trường hợp vết rạn da này sẽ phai mờ. Các chị em phụ nữ tin rằng sử dụng kem dưỡng hay các biện pháp can thiệp khác có thể lấy lại làn da như thuở còn son. Tuy nhiên, bác sĩ Sơn cho rằng các biện pháp đó đều không có hiệu quả.

Để hạn chế da sạm, nám da khi mang thai, bác sĩ Sơn cho rằng chị em phụ nữ khi có bầu nên tránh các yếu tố kích thích như ánh nắng mặt trời, rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm cay, nóng… Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước. Khi có dấu hiệu da tăng sắc tố thì không cần điều trị hay dùng mỹ phẩm vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi.