Khi bị cảm, mẹ bầu thường lo lắng, mong muốn nhanh khỏi bệnh mà không làm ảnh hưởng tới thai nhi. Việc kết hợp một số biện pháp an toàn tại nhà cùng với chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp đem lại hiệu quả tốt.   

1. Phân biệt cảm cúm và cảm lạnh

Y học phân chia bệnh cảm thành hai loại khác nhau. Hai loại này có những điểm tương đồng nhưng vẫn có sự khác biệt. 

Bà bầu bị cảm cúm 

- Nguyên nhân: thường do virus Influenza gây ra. Có 3 loại cảm cúm chính là A, B và C.

- Triệu chứng: Các dấu hiệu của cảm cúm thường sẽ xuất hiện nhanh, gồm một số triệu chứng chính như sau: sốt cao, đau đầu, đau cơ, đổ mồ hôi và khiến mẹ bầu cảm thấy kiệt sức.         

Bà bầu bị cảm lạnh

- Nguyên nhân: Thông qua đường mũi và miệng, các siêu vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể sẽ làm cho bà bầu bị cảm lạnh. Có khoảng trên 100 loại virus gây ra cảm lạnh nhưng thường gặp nhất là Rhinovirus.

- Triệu chứng: Khi bị cảm lạnh, mẹ bầu sẽ thấy các dấu hiệu như: đau họng, nghẹt hoặc sổ mũi, hắt hơi và ho. Ngoài ra, bà bầu cũng có thể bị sốt nhẹ hoặc đau đầu nhưng những triệu chứng này không phổ biến. 

Mẹ bầu cần phân biệt cảm cúm với cảm lạnh. (Ảnh minh họa)

2. Bà bầu bị cảm có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Bệnh cảm có nhiều thể gây bệnh khác nhau nên không phải mẹ bầu cứ mắc bệnh là gây ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Tuy nhiên vẫn có thể xuất hiện một vài nguy cơ có hại đối với em bé:

- Thai nhi bị dị tật: Khi mẹ mắc cúm (nhất là trong vòng 13 tuần đầu của thai kỳ), thai nhi có nguy cơ mắc một số dị tật như hở hàm ếch, tim bẩm sinh...

- Nguy cơ mắc bệnh tự kỷ: Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng thai nhi có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ tăng 34 % khi người mẹ bị sốt trong tam cá nguyệt thứ nhất và 40 % khi bị sốt trong tam cá nguyệt thứ hai. 

- Nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, dị ứng: Mức độ phơi nhiễm của người mẹ đối với virus và vi khuẩn trong khi mang thai sẽ ảnh hưởng đến môi trường trong cơ thể. Vì vậy mà bé sẽ có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và dị ứng khi còn nhỏ.    

- Sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non: Ngoài việc làm cho thai nhi có nguy cơ bị dị tật, độc tính của virus khi kết hợp với sốt cao cũng có thể kích thích tử cung co bóp. Điều này dẫn đến sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.

3. Bà bầu bị cảm phải làm sao?

Khi bị cảm, mẹ bầu cũng không nên quá lo lắng mà có thể áp dụng một số phương pháp sau đây để làm giảm đi dấu hiệu của bệnh: 

Xông mũi ngay khi có dấu hiệu cảm

Phương pháp dân gian này đơn giản và dễ áp dụng tại nhà. Mẹ bầu dùng một số loại lá có chứa tinh dầu như: lá sả, lá bưởi, ngải cứu, hương nhu, bạc hà, tía tô đem nấu sôi với nước sạch. Tiếp theo, mở hé nắp nồi nước xông, ghé mặt hít hơi nóng bay lên. Nó sẽ giúp mẹ bầu bớt nghẹt mũi.  

Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý

Nước muối sinh lý NaCl 0,9 % có tác dụng vệ sinh, khai thông đường mũi đẩy chất nhầy, virus và vi khuẩn ra khỏi mũi. Vì thế mẹ nên sử dụng dung dịch này để rửa và vệ sinh mũi hàng ngày nếu bị cảm. 

Súc miệng bằng nước muối ấm

Bà bầu có thể pha 1 thìa muối vào trong một cốc nước ấm. Sau đó súc miệng trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy.  

Thoa dầu tràm dưới mũi

Để mở rộng đường thở và thông mũi, mẹ nên sử dụng những loại dầu có tinh chất bạc hà như dầu tràm. Chú ý là chỉ thoa một lượng nhỏ ở dưới cánh mũi.

Giữ ấm và nghỉ ngơi

Mẹ bầu cần lưu ý giữ ấm cơ thể để tránh các triệu chứng của cúm trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, việc nghỉ ngơi hợp lý cũng có tác dụng giúp cơ thể bà bầu có đủ năng lượng và hệ miễn dịch hoạt động tốt, chống lại bệnh tật.

Ngủ kê cao gối

Việc ngủ đủ giấc cũng góp phần giúp bà bầu hồi phục sức khỏe nhanh chóng. Trong khi ngủ, mẹ nên kê cao phần đầu ở vị trí cảm thấy thoải mái nhất. Nó sẽ giúp giảm nghẹt mũi và đờm không bị trào ngược.

Trong trường hợp áp dụng những cách trên đây mà bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm thì mẹ bầu cần đến bác sĩ để khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

4. Bà bầu bị cảm nên ăn gì?

Cháo trứng, hành và tía tô

Trong món cháo này có sự kết hợp giữa ba nguyên liệu thơm ngon, giàu dinh dưỡng lại rất tốt cho mẹ bầu khi bị cảm. Trứng chứa nhiều protein, cung cấp dinh dưỡng chất cho cơ thể người phụ nữ mang thai để chống lại bệnh cảm. Hành có vị cay, tính bình nên giúp tan lạnh, thông khí, giải cảm, sát trùng...Ngoài ra, tía tô cũng có tính ấm sẽ có tác dụng giảm các triệu chứng đau họng, buồn nôn khi bị cảm.

Cháo trứng, hành tía tô có công dụng giải cảm rất tốt cho bà bầu. (Ảnh minh họa)

Các loại quả giàu vitamin C

Vitamin C là chất dinh dưỡng có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch, chống lại các loại bệnh tật, điển hình như bệnh cúm. Để bổ sung vitamin C cho cơ thể, mẹ bầu có thể ăn những loại quả sau: bưởi, cam, ổi, kiwi, dâu tây...Các trái cây này sẽ giúp người phụ nữ mang thai có một cơ thể khỏe mạnh và một làn da đẹp.

Tỏi 

Chất kháng sinh có trong tỏi sẽ giúp chống viêm nhiễm và các vi khuẩn, virus gây cúm. Nếu không muốn ăn sống tỏi thì mẹ bầu nên cho thêm tỏi vào các món ăn như rau xào, tôm rim….Nếu ngại hơi thở không được thơm tho sau khi ăn tỏi thì chị em có thể kết hợp tráng miệng với những loại trái cây giàu vitamin C để bổ sung chất dinh dưỡng cũng như dễ tiêu hóa.

Súp gà

Đây là món ăn giàu dinh dưỡng, vitamin và chất chống viêm. Ngoài ra, súp gà còn có thể làm dịu đi các triệu chứng của cảm. Để nấu súp gà trị cảm, mẹ bầu cần sử dụng bột cayenne, tỏi, gừng, hành tây, húng tây là nấm. 

5. Bà bầu bị cảm nên uống gì?

Nước ấm

Việc uống nước ấm sẽ giúp ích được nhiều cho mẹ bầu khi bị cảm. Nó sẽ làm giảm hiện tượng nghẹt mũi, ngăn ngừa mất nước và bớt đau họng.

Trà gừng tươi

Gừng là loại thực phẩm lành tính, có thể làm ấm cơ thể và làm sạch các chất độc, virus cũng như vi khuẩn. Vì thế, để chữa cảm, mẹ bầu nên uống 1 ly trà gừng tươi, cho thêm mật ong và 1 lát chanh tươi (hoặc vài giọt nước chanh).  

Để chữa cảm, mẹ bầu nên uống 1 ly trà gừng tươi với chanh. (Ảnh minh họa)

Giấm táo

Giấm táo có thể thanh lọc các cơ quan nội tạng, làm sạch các hạch bạch huyết, tạo ra môi trường kiềm nên diệt các loại vi khuẩn rất hữu hiệu. Vì thế, nếu có hiện tượng bị cảm, mẹ bầu nên pha 1 thìa giấm táo vào cốc nước ấm để uống hoặc súc miệng hàng ngày. Có thể uống vài lần trong một ngày cho đến khi các triệu chứng cảm giảm hẳn.      

Lưu ý: Nếu đang gặp phải triệu chứng ợ nóng, mẹ bầu không nên uống giấm táo.