Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trứng giàu dinh dưỡng như betaine và choline rất tốt cho tim mạch, phát triển trí não. Trứng cũng chứa nhiều vitamin D, giúp ngăn ngừa loãng xương và bệnh còi xương. Ngoài ra, tỷ lệ chất dinh dưỡng trong trứng rất phù hợp với những người có chế độ ăn kiêng.

Tuy nhiên, xét về mặt dinh dưỡng, mỗi loại trứng đều có tác dụng riêng với sức khỏe.

Theo Bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam, trứng gà có 11,6 g chất béo, 55 mg canxi còn trong trứng vịt chứa 14,2 g chất béo, 71 mg canxi. Lượng carbs tương đương nhau nhưng hàm lượng protein, chất béo và cholesterol, trứng vịt đều nhiều hơn trứng gà. Trứng gà nhiều protein, photpho, kẽm và kali, vitamin A, D, E, nhất là vitamin D, ít calo và cholesterol. 

Do đó, trứng gà phù hợp với những người huyết áp cao, tim mạch. Thỉnh thoảng, để bổ sung dinh dưỡng có thể thay đổi bằng trứng vịt. Không nên ăn trứng gà sống hay hòa tan trứng sống trong cháo nóng, canh nóng mà nên luộc hoặc nấu chín đề phòng nhiễm khuẩn... Nguyên nhân là đường sinh dục của gà có rất nhiều vi khuẩn nên cả trong và ngoài trứng gà đều có thể nhiễm khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn salmonella gây ngộ độc thức ăn.

Trứng gà nhiều protein, kẽm, vitamin nhưng ít calo và cholesterol. Ảnh: Health

 

Trứng vịt có kích thước trung bình to hơn trứng gà. Một quả trứng vịt chứa 130 calo, gấp đôi lượng calo trong trứng gà. Hàm lượng protein, chất béo bão hòa, vitamin của trứng vịt cũng nhiều hơn so với trứng gà. Trứng vịt cung cấp omega-3 nhiều hơn, chống viêm và giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Vỏ trứng vịt thường cứng hơn nên lưu giữ được lâu hơn.

Riêng trứng vịt lộn nên ăn cùng rau răm, gừng và hạt tiêu để làm ấm lại cơ thể, chống lạnh bụng, đầy hơi và chậm tiêu hóa. Lượng gia vị phù hợp cho một lần ăn tối đa hai quả trứng vịt lộn là khoảng 5 g gừng tươi thái chỉ, 5 g rau răm tươi. Hạn chế ăn trứng vịt lộn buổi tối và cho trẻ nhỏ ăn nhiều do hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện.

So với trứng gà và trứng vịt thì trứng cút có kích cỡ nhỏ hơn rất nhiều. Một quả trứng cút chỉ nặng khoảng 8,5 g, song lại giàu dưỡng chất nhất. Một quả trứng cút chứa 14 đơn vị calo; 1,2 g protein. Bên cạnh đó, trong trứng cút còn có chứa những loại amino axit, khoáng chất, vitamin gần giống như trứng gà và trứng vịt.

Ngoài ra, trứng cút so với trứng gà ít có khả năng gây dị ứng hơn vì thế rất hợp với trẻ dưới 6 tuổi. Cha mẹ có thể cho bé ăn khoảng 3-4 quả trứng cút mỗi ngày để cung cấp chất dinh dưỡng. 

Lưu ý khi ăn trứng

Trẻ nhỏ cần bổ sung nhiều vitamin A, nhóm B, folate, vitamin D nên ăn trứng cút hoặc trứng gà. 

Người trưởng thành nên ăn trứng vịt sẽ có nhiều năng lượng bù đắp, năng lượng mất đi khi lao động và học tập. Tuy nhiên, người có chế độ ăn kiêng thì nên lưu ý không ăn trứng vịt do nhiều năng lượng.

Những người già, cao huyết áp, người dễ có nguy cơ bị tim mạch hay người có hàm lượng cholesterol trong máu cao nên hạn chế ăn trứng cút bởi vì trong thành phần của trứng cút có chứa một lượng lớn cholesterol.

Khi mua trứng, nên chọn những quả có lớp vỏ bên ngoài sạch sẽ và còn tươi (mới) từ khu vực quầy hàng đông lạnh. Không mua những quả trứng có nhiều vết bẩn, bị nứt hoặc có lỗ thủng dễ bị nhiễm khuẩn.

Sau khi mua về, cần nhanh chóng cho trứng vào tủ lạnh. Đặt trứng trong hộp đựng làm bằng giấy carton hoặc nhựa mềm vì trứng rất dễ hấp thu mùi của tủ lạnh. Trứng tươi có thể để lạnh được khoảng 5 tuần sau khi được đóng gói. Nếu trên bao bì của hộp trứng không ghi rõ ngày đóng gói, có thể giữ lạnh chúng trong khoảng 3 tuần kể từ khi mua về.

Nên ăn kết hợp cả lòng đỏ và lòng trắng trứng mang lại giá trị dinh dưỡng cao nhất do hàm lượng protein có trong lòng đỏ nhiều hơn trong lòng trắng trứng gà một chút. Tuy nhiên, trong một quả trứng, tỷ lệ lòng trắng lại nhiều hơn lòng đỏ nên nhìn chung lượng protein bằng nhau. Điều khác biệt là trong lòng đỏ chứa một lượng lớn khoáng chất như phốt pho, sắt, canxi, vitamin như A, D, E, K và vitamin B, trong khi lòng trắng hầu như không có các chất này.