Ăn tiết canh lợn có an toàn không?
ThS.BS nội trú Nguyễn Thị Thúy Hậu - khoa Nội tổng hợp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội
Tiết canh là món ăn nhiều người thích, nhưng ẩn chứa nhiều hiểm họa. Một số người nghĩ tiết canh mát, bổ nhưng thực tế món ăn này chứa nhiều vi khuẩn gây hại, có thể ảnh hưởng tính mạng.
Cụ thể, tiết canh làm từ máu sống, không diệt hết vi khuẩn hay ký sinh trùng. Người ăn dễ nhiễm liên cầu lợn hoặc sán dây lợn, nếu ăn kèm thịt lợn gạo không nấu chín. Ngoài ra, việc ăn tiết canh từ con vật bị bệnh dẫn đến nguy cơ giun sán, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nặng hơn có thể gây tử vong.
Nhiều trường hợp sau khi ăn tiết canh vài ngày bị sốt cao, rét run, mệt mỏi, phát ban, xuất huyết, hoại tử toàn thân. Khi nhập viện, bệnh nhân có dấu hiệu bệnh cảnh sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu nặng, hoại tử đầu chi… Những trường hợp này thường tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong cao dù được điều trị tích cực.
Nhiều người có quan điểm ăn ít không sao, lợn sạch thì tiết sạch hoặc tự tay chế biến là an toàn. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn chỉ hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ, trong khi món tiết canh bản chất là máu sống.
Không chỉ lợn bệnh, những con vật khỏe mạnh cũng có thể chứa vi khuẩn liên cầu lợn. Trong quá trình chế biến, vi khuẩn từ lợn có thể tiếp xúc với máu gây bẩn tiết canh. Bên cạnh đó, vi khuẩn liên cầu lợn có ở các bộ phận như thịt, phổi… và nếu không được nấu chín, người ăn có nguy cơ nhiễm khuẩn.
Cần lưu ý dù không ăn tiết canh, khi tiếp xúc với máu và thịt sống của động vật bị nhiễm liên cầu lợn qua vết xây xát trên tay chân, người khỏe mạnh có thể nhiễm bệnh. Nhiều trường hợp người bệnh làm nghề giết mổ lợn, không ăn tiết canh hay thịt lợn chưa nấu chín, vẫn mắc bệnh liên cầu lợn.
Do đó, những món ăn từ thịt lợn sống, tái dù hấp dẫn, người dân vẫn không nên ăn bởi tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe. Với tiết canh lợn, để đảm bảo an toàn, cách duy nhất là không ăn hoặc hấp chín tiết trước ăn. Đồng thời, người dân nên tuân thủ quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay thường xuyên và tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng.
Ngoài ra, người giết mổ, phân phối, chế biến thịt lợn, gia cầm, thủy cầm cần mang găng, rửa tay sạch sau khi chế biến thịt và dùng riêng thớt cho thịt chín - thịt sống.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...