Rước bệnh vì ăn mặn

Ông Nguyễn Văn Thực (quê Tiền Hải, Thái Bình) đến bệnh viện khám vì đau bụng vùng thượng vị kèm theo triệu chứng buồn nôn. Khi khám cho ông, bác sĩ nội soi dạ dày và kết quả ở niêm mạc dạ dày gần hang vị bị loét có sùi và nghi ngờ ung thư.

Ông Thực mang kết quả đó lên tuyến trên khám với mong muốn có chẩn đoán bệnh chính xác. Kết quả, bác sĩ cho biết ông bị ung thư biểu mô tuyến dạ dày.

Sau khi sàng lọc các yếu tố nguy cơ ung thư, ông Thực thành thật cho biết ông ăn rất mặn. Các món ăn của vợ xào ông vẫn phải có bát nước mắm ở bên để chấm. Tâm lý con tôm rang mặn thì bùi nên bất cứ món rang nào ông cũng thích phải mặn cho dễ ăn.

Hạn chế muối là cách phòng bệnh ung thư dạ dày - Ảnh minh họa: Internet

Không chỉ gia tăng muối, hàng ngày gia đình ông còn hay ăn các loại dưa nén là loại dưa cải, dưa từ củ su hào, cà quả nén với lượng muối rất nhiều để ăn cả năm không hỏng. Thói quen xấu đó đã khiến ông rước bệnh ung thư dạ dày.

Chị Hoàng Thị Linh (đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết mỗi lần chị về quê chồng, mọi người cũng ăn rất mặn. Ngay cả chồng chị cũng ăn mặn. Các món canh, xào chị nấu cho cả nhà anh vẫn nêm thêm muối vào và cho rằng ăn nhạt không có mùi vị gì.

Để tạo cho cả gia đình thói quen ăn nhạt, chị Linh cũng rất khó khăn vì cả nhà mình chị  ăn nhạt. Chị có nấu nhạt thì mọi người lại chấm thêm nước mắm, cho thêm chút muối. Các con của chị cũng thích ăn gì cũng phải có gia vị để chấm. Chị Linh cho rằng để bỏ thói quen ăn mặn cho mọi người rất khó.

Tại Viện Tim mạch Việt Nam, các bác sĩ cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị tăng huyết áp, xơ vữa mạch vành và hầu như ai cũng có thói quen ăn mặn. Quan niệm mặn để các món ăn trở nên đậm đà không phải ngon mà nguy hiểm cho sức khỏe.

Lượng muối ăn gấp đôi khuyến cáo

PGS Lê Bạch Mai, Nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết người Việt ăn rất mặn. Một trong những thói quen của gia đình Việt là thường xuyên dùng món chấm như bát nước mắm, nước tương trên bàn ăn dù các món ăn đã được nêm nếm vừa. Nhiều người có thói quen ăn mặn dù biết ăn mặn không tốt cho sức khỏe nhưng vẫn rất khó để bỏ thói quen này.

Chỉ dùng 5 gram muối/ngày  - Ảnh minh họa: Internet

PGS Mai thông tin, theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia tại tỉnh Phú Thọ thì người dân ở đây ăn trung bình khoảng hơn 9,5 gram muối mỗi ngày, gấp đôi khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO). PGS Mai cho rằng các vùng khác người dân còn ăn nhiều muối hơn.

Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), mỗi người chỉ nên ăn khoảng 5 gram muối mỗi ngày tương đương với khoảng 1 thìa cà phê và lượng muối này đã bao gồm cả muối đến từ nước chấm.

Trước tình trạng người Việt ăn quá mặn và bệnh không lây nhiễm đang gia tăng, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế đã thực hiện một chương trình với thông điệp hãy bỏ bớt muối, ăn nhạt để sống khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết thói quen ăn mặn, bổ sung các loại có chứa nhiều natri như nước mắm, nước tương, xì dầu, hạt nêm, thậm chí bột ngọt cũng chứa muối làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày, bệnh tim mạch như suy tim, bệnh suy thận..

Bác sĩ Nhàn cho biết nhu cầu muối và hạt nêm mỗi ngày chỉ cần 1 thìa cà phê là đủ. Nếu nêm nước mắm và hạt nêm thì bỏ bớt muối. Mọi người nên bỏ thói quen ăn nước chấm. Nếu chấm thì pha nước chấm loãng hơn bằng nước đun sôi để nguội hoặc chấm ít. Khi ăn trái cây nên từ bỏ thói quen chấm muối.

Để giảm lượng muối nạp vào cơ thể, bác sĩ Nhàn cũng khuyến cáo người dân nên hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, giò chả, dăm bông, mì gói... Vì những loại này chứa rất nhiều muối.

Nên tập thói quen đọc thông tin trên nhãn sản phẩm. Ví dụ: Với hàm lượng muối, nên đọc các thông số lượng natri (sodium) trên sản phẩm đóng gói ghi thành phần. Cụ thể: Gói thực phẩm chứa 500mg sodium hoặc natri trên 100 gram thực phẩm thì không nên mua.

Bác sĩ Nhàn nhấn mạnh: "Bỏ muối, ăn nhạt chính là cách để phòng rất nhiều bệnh".