Tôi giật mình, vì vài tháng trước, trong cơn bực dọc tôi đã nói: “Lương mẹ rất thấp, muốn mua sắm gì phải chờ mẹ kiếm được việc làm thêm đã...”. Dường như con gái luôn nhớ như in những câu than phiền về tiền bạc của tôi và chồng.

 

Con chỉ mơ trúng số...

Có lẽ bạn từng nghe kể về những điều ước trúng số của con trẻ. Với các con, hình như tờ vé số có tác dụng thần kỳ thể giải quyết mọi khó khăn của gia đình. Cậu bé lớp Ba con bạn tôi mỗi ngày đi ngủ đều lẩm bẩm cầu nguyện, hỏi con cầu gì, con trả lời: “Con gửi thông điệp lên vũ trụ để ông trời giải quyết cho con trúng số. Nếu trúng, con sẽ mua cho ba mẹ một cái nhà, trả tiền nợ bà nội và cả nhà mình đi du lịch cùng nhau một chuyến...”. Thoạt nghe, mọi người cười ồ lên, vì mới bé xíu, bé đã biết lo “chuyện lớn” rồi. Nhưng rõ ràng, chúng ta đã vô tình đặt áp lực tiền bạc lên vai con. Các con bị buộc phải ôm lấy những gánh nặng trọng trách, không dám ước một điều cho bản thân. 

Cô con gái 10 tuổi của tôi có lần hùn tiền mua tờ vé số Vietlott với đứa em họ, chúng thỏa thuận nếu trúng sẽ chia đôi. Tôi nghĩ có thể con thèm mua album của ca sĩ thần tượng, sẽ đi Hàn Quốc để gặp thần tượng của con... Vậy mà con thành thật: “Nếu trúng, trước tiên, con sẽ trả nợ vay mua nhà cho ba mẹ, mua xe mới cho ba, cho ông bà ngoại một tỷ để khi già không đi làm ông bà vẫn sống được…”. 

Dường như khi dạy con, chúng ta luôn “lên lớp” bọn trẻ bằng những câu thoại dài lê thê và những câu chuyện từ hàn vi đến khốn khổ của đời mình: “con có biết mẹ vất vả biết bao nhiêu để nuôi con không”, “con có biết ba mẹ mỗi tháng chỉ làm ra từng này không”, “mỗi ngày mẹ chỉ ăn trưa có mười mấy ngàn đồng đó”, “mấy năm rồi mẹ có dám mua sắm váy áo gì đâu”, “mình làm gì có nhà, đang ở nhà thuê mà sao cái gì cũng đòi”, “nhà này của bà nội, mẹ phải mua được nhà riêng, gia đình mình mới yên ổn”... Đó là hằng hà sa số những câu nói tiền bạc đè lên các con mỗi ngày.

Áp lực tiền bạc làm chúng ta đôi khi không nén được tiếng thở dài. Trong rất nhiều gia đình, vợ chồng cứ nhắc tới tiền bạc là cãi nhau và những đổ vỡ trong lòng các con cũng từ đó mà ra. Hỏi sao các bé không mơ ước đổi đời nhờ vé số.

Làm sao kiềm tiếng thở dài?

Ngọc Hà, một bà mẹ trẻ từng chia sẻ trong một buổi tọa đàm về cô bé 6 tuổi, đang học lớp Một ở trường dân lập: “Học phí mỗi năm mỗi cao, nên lần nào tôi cũng nói với con rằng, đóng tiền cho con xong, mẹ nghèo đi ngay lập tức. Một hôm, con bé rụt rè đề nghị: "Con thích trường này lắm, mẹ có thể ráng nuôi con học hết lớp 12 ở đây được không. Mà thôi, không cần lớp 12, nếu không đủ tiền, mẹ cho con học đến lớp Bảy thôi có được không mẹ”. Chắc bạn từng nghe con nói những câu tương tự, nhưng bạn lại bỏ qua ngay. Không hỏi thêm bé để biết rằng, đứa trẻ thơ ngây kia đã không còn thơ ngây vô tư lự nữa, đã có bao nhiêu phút ngẫm ngợi, đắn đo khi muốn đề nghị với mẹ điều gì, nhất là những việc liên quan đến tiền bạc. 

Bạn có đang mắc phải khoản nợ nào không? Mua nhà, mua xe, đang điều trị bệnh... Đây là một áp lực kinh tế lớn đối với bạn và cũng là với trẻ, nếu bạn cho trẻ biết. Những than vãn, thở dài, lo lắng tiền bạc của mẹ cha luôn khiến con trẻ để ý. Chưa kể, không ít những bà mẹ hở một tí lại gào lên: “Ba mẹ đang còn nợ tiền nhà gần 1 tỷ đấy! Làm cả đời cũng không đủ trả đâu”. Kinh nghiệm của những người mẹ thông thái, là thay vì trút lên con nỗi lo tiền bạc, chúng ta nên cất mối lo phía sau lưng trẻ, khi con hỏi về các món nợ, hãy thản nhận trách nhiệm đó vào mình, cho con yên tâm rằng cha mẹ đã tính toán trước khi quyết định và sẽ từng bước đạt mục đích. Bên cạnh đó, tranh thủ dạy con các bài học về tiết kiệm. 

 

Ba mẹ đóng học phí cho con hết bao nhiêu mỗi năm? Đây chắc chắn là nội dung chúng ta nói đi nói lại nhiều lần, đặc biệt với cha mẹ nào đang gồng mình cho con học trường tư, trường quốc tế. Điều này khiến trẻ nghĩ, chúng là gánh nặng của ba mẹ, mình gây ra những thống khổ của ba mẹ. Con gái tôi có lần hờn dỗi: “Mẹ đừng nhắc tới số tiền của khóa học tiếng Anh đó được không? Mẹ đã cân nhắc mãi mới đăng ký cho con, vậy tại sao mẹ cứ nói đi nói lại con tiêu cả tháng lương của mẹ? Mẹ làm con ngán, không muốn đi học nữa…”. Lần đó, tôi đã ngỡ ngàng trước lý sự của con. Nhưng, như một thói quen khó sửa, bất cứ lúc nào con tôi lơ là việc học, cháu đều phải nghe lại “điệp khúc tiền trường” từ mẹ.

Cái ách quá nặng

Hơn 20 năm trước, bạn tôi đã tự tử khi cầm tờ giấy báo đậu đại học kèm thông báo học phí. Trong lá thư để lại, bạn chỉ nói rằng đó là sự giải thoát, vì có làm cách nào, ba mẹ bạn cũng không đủ tiền cho bạn nhập học, mà bạn thì không nỡ nhìn ba mẹ vất vả, nợ nần vì mình nữa. Tôi nhớ, cầm lá thư ấy, mẹ bạn đã ngã quỵ. Suốt bao nhiêu năm, cái áo mới cho mình bà cũng không mua, chỉ với một lý do: “Phải dành tiền cho con vào đại học, lúc ấy, chi phí học cao lắm, làm sao không tiết kiệm từ bây giờ...”. 

Chúng tôi, những đứa sinh viên khác đi học bằng tiền bán heo, bán bò, vay mượn lần hồi của cha mẹ, có lẽ suốt đời không quên cảm giác mình nợ cha mẹ quá nhiều, mình khiến gia đình bại sản. Có những người bạn đã không dám sống một cuộc đời như mong ước vì buộc mình phải lao vào những vòng xoáy, kiếm tiền bằng mọi giá để trả công ơn cha mẹ, mong bớt đi cảm giác mình là tội đồ của gia đình. Đấy có phải là hiếu đễ không, hay chỉ là vòng luẩn quẩn của đời người?