Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, trào lưu “flex" (khoe) số lượng thành viên trong nhà rộ lên trong giới trẻ, nhất là thế hệ Gen Z. Các bạn thi nhau khoe ảnh đại gia đình tụ họp và sum vầy trong dịp đầu năm mới, đồng thời chia sẻ câu chuyện cả nhà đoàn kết, yêu thương nhau khiến không ít người ngưỡng mộ.

Bùi Kiều Hải Dương (SN 2002, quê Phú Thọ) cũng “góp phần” ủng hộ trào lưu ấy bằng cách đăng tải bức hình đại gia đình trong một nhóm Facebook đông thành viên tham gia. Trong ảnh, đại gia đình của chàng trai xếp thành nhiều hàng, chật kín thềm nhà lớn. Ai cũng tươi tắn và rạng ngời để thợ chụp bức hình kỷ niệm nhân dịp có đông đủ thành viên.

Đại gia đình của Kiều Dương chụp hình kỷ niệm trong ngày tổ chức lễ mừng đại thọ của cụ bà.

Kiều Dương cho biết bức hình được chụp vào Mùng 4 Tết Nguyên đán Giáp Thìn tại nhà cụ nội của cậu. "Cụ nội ông của mình đã qua đời, còn cụ nội bà tên Luyến năm nay tròn 100 tuổi. Cụ sinh được 6 người con: 4 gái, 2 trai.

Ông nội mình là con trai thứ 2 của cụ. Ông nội và các anh chị em ruột sau khi yên bề gia thất đều sinh từ 5 đến 6 người con. Sau đó các bác, cô chú của mình lập gia đình cũng sinh nhiều con.

Cụ còn nhận thêm một người làm con nuôi. Hiện tại tổng số thành viên trong đại gia đình lên tới cỡ 150 người. Bức hình kia dù có đông thành viên nhưng chưa đủ hết con cháu của cụ, vẫn thiếu một vài thành viên", chàng trai Gen Z tâm sự.

Các con cháu của cụ Luyến có người ở quê, có người lựa chọn Hà Nội làm nơi học tập, sinh sống và lập nghiệp nhưng luôn duy trì truyền thống họp mặt khi Tết đến xuân về. "Các ông bà trong nhà quan niệm rằng cuộc gặp gỡ dịp đầu năm mới không chỉ giúp con cháu nhớ về cội nguồn, về nơi các cụ, ông bà sinh ra mà còn coi đó là sợ dây kết nối giữa các thành viên lớn nhỏ trong gia đình.

Khi ấy tất cả sẽ gắn kết, yêu thương lẫn nhau. Và lần nào cũng vậy, đại gia đình sum vầy là nhà cụ có đầy tiếng nói cười, hát hò vui vẻ, sau đó cùng nhau ăn một bữa cơm đoàn viên", Kiều Dương tâm sự.

 

Đại gia đình có truyền thống yêu thương, đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau.

Mỗi lần con cháu cụ Luyến tụ họp, đại gia đình phải nấu tận 30 mâm cỗ. Mỗi người một tay để bữa cơm được chế biến nhanh chóng. "Ông bà lớn tuổi sẽ ngồi uống nước, hỏi thăm gia đình nhỏ của nhau năm qua có gì chưa tốt. Sau đó mọi người động viên nhau hãy cố gắng trong năm mới, nhất là việc nhắc nhở con cháu phải nhớ đến cuội nguồn.

Người trẻ sẽ vào bếp nấu cỗ, người làm món này, người trổ tài nấu món kia. Còn đám trẻ con chơi đùa, chạy quanh sân nhà cụ. Khung cảnh đó vô cùng đầm ấm!", Kiều Dương bộc bạch.

Năm nay cụ Luyến 100 tuổi nhưng vẫn khá minh mẫn, đi lại bình thường. Cụ sống cùng người con trai cả, xem thời sự mỗi ngày và nhớ được tên con, cháu. Thi thoảng cụ còn sang thăm họ hàng, hàng xóm.

"Các ông bà, các cô bác đều sống gần nhà của ông cả nên cuối tuần hoặc rảnh sẽ sang thăm nom cụ. Mình mỗi dịp được nghỉ về quê cũng sẽ tranh thủ thăm cụ. Cụ nhớ được tên mình, con cái nhà ai, cháu ông nào.

Cụ còn dặn dò mình xuống thành phố học phải ngoan ngoãn và cố gắng. Cụ chính là động lực, người truyền cảm hứng để mình phấn đấu cho tương lai", chàng trai Gen Z tâm sự.

Tin liên quan