Các chất và sự phơi nhiễm (các yếu tố nguy hại) có thể dẫn đến ung thư được gọi là tác nhân gây ung thư. Lưu ý, nhiều tác nhân trong số đó có thể hạn chế tiếp xúc hoặc phòng tránh như:
 
Thứ nhất: Rượu

Uống rượu có thể làm tăng nguy cơ ung thư miệng, cổ họng, thực quản, thanh quản, gan và vú. Bạn càng uống nhiều, nguy cơ của bạn càng cao. Nguy cơ ung thư cao hơn nhiều đối với những người vừa uống rượu vừa hút thuốc lá.

Thứ hai: Thuốc lá

Sử dụng thuốc lá gây ra nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư phổi, thanh quản, miệng, thực quản, họng, bàng quang, thận, gan, dạ dày, tuyến tụy, đại tràng và trực tràng và bệnh bạch cầu tủy cấp tính.

Thống kê cho thấy người nghiện hút có nguy cơ mắc ung thư phế quản gấp 10 lần người không hút. Nếu nghiện nặng với liều hút trên 20 điếu 1 ngày có từ 15 đến 20 lần nguy cơ cao hơn người không hút. Hút thuốc ở tuổi càng trẻ càng có nguy cơ cao. Tại Việt Nam, hút thuốc lào, ăn trầu thuốc cũng có nguy cơ cao hơn, kể cả ung thư khoang miệng.

Mặc dù biết rõ tác hại sinh ung thư của thuốc lá nhưng việc xóa bỏ thuốc lá, giảm sản xuất và buôn bán thuốc lá là vấn đề khó khăn. Nguyên nhân chính là vấn đề lợi nhuận. Đây là vấn đề mà xã hội và các quốc gia cần quan tâm.

Thứ ba: Tia cực tím

Tia cực tím gây tổn thương ADN và dễ phát sinh bệnh ung thư. Mọi người ở mọi lứa tuổi nên hạn chế thời gian tiếp xúc với mặt trời, đặc biệt là giữa buổi sáng và chiều muộn, tránh các nguồn bức xạ tia cực tím khác như giường tắm nắng.

Bệnh nhân tới khám tầm soát ung thư tại Bệnh viện K (Hà Nội). Ảnh: BVCC.

Thứ tư: Bức xạ

Bức xạ của các bước sóng nhất định, được gọi là bức xạ ion hóa, có đủ năng lượng để làm hỏng ADN và gây ung thư. Bức xạ ion hóa bao gồm radon, tia X, tia gamma và các dạng bức xạ năng lượng cao khác. 

Thứ năm: Tác nhân truyền nhiễm

Một số tác nhân truyền nhiễm, bao gồm virus, vi khuẩn và ký sinh trùng, có thể gây ung thư hoặc làm tăng nguy cơ ung thư sẽ hình thành như Epstein-Barr virus, HBV và HCV, HIV, HPVs, HTLV-1. Một số virus có thể phá vỡ các tín hiệu dùng để kiểm tra sự phát triển và tăng sinh của tế bào ác tính.

Ngoài ra, một số bệnh nhiễm trùng làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể không thể chống lại các bệnh nhiễm trùng gây ung thư khác. Virus, vi khuẩn và ký sinh trùng cũng gây viêm mãn tính, có thể dẫn đến ung thư.

Hầu hết virus có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư có thể được truyền từ người này sang người khác thông qua máu hoặc các chất dịch cơ thể khác. Bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm trùng bằng cách tiêm vắc xin, quan hệ tình dục an toàn và không dùng chung kim tiêm.

Thứ sáu: Thực phẩm không đảm bảo

Dinh dưỡng đóng vai trò khoảng 35 % trong các nguyên nhân gây bệnh ung thư. Nhiều bệnh ung thư có liên quan đến dinh dưỡng như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư vòm mũi họng, ung thư vú,...

Mối liên quan giữa dinh dưỡng với ung thư được thể hiện ở hai khía cạnh chính: trước hết là sự có mặt của các chất gây ung thư có trong các thực phẩm, thức ăn, vấn đề thứ hai có liên quan đến sinh bệnh học ung thư là sự hiện diện của các chất đóng vai trò làm giảm nguy cơ sinh ung thư (vitamin, chất xơ...) đồng thời sự mất cân đối trong khẩu phần ăn cũng là một nguyên nhân sinh bệnh.

Nitrosamin và các hợp chất N-Nitroso khác, là những chất gây ung thư thực nghiệm trên động vật. Những chất này thường có mặt trong thực phẩm với một lượng nhỏ. Các chất Nitrit và Nitrat thường có tự nhiên trong các chất bảo quản thịt, cá và các thực phẩm chế biến. Tiêu thụ nhiều thực ăn có chứa Nitrit, Nitrat có thể gây ra ung thư thực quản, dạ dày.

Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại thực phẩm ướp muối, hay ngâm muối như cá muối, có hàm lượng Nitrosamin cao. Các nước khu vực Đông Nam Á thường tiêu thụ loại thực phẩm này có liên quan đến sinh bệnh ung thư vòm mũi họng. Các nhà khoa học Nhật chỉ ra việc tiêu thụ nước mắm, chứa một hàm lượng Nitrosamin cao, liên quan đến ung thư dạ dày.

Aflatoxin sinh ra từ nấm mốc Aspergillus flavus. Đây là một chất gây ra bệnh ung thư gan, bệnh phổ biến ở các nước nhiệt đới. Loại nấm mốc này thường có các ngũ cốc bị mốc nhất là lạc mốc.

Sử dụng một số phẩm nhuộm thực phẩm, có thể gây ra ung thư, như chất Paradimethyl Amino Benzen dùng để nhuộm bơ thành “bơ vàng” có khả năng gây ung thư gan. Tại các nước này sử dụng các phẩm nhuộm thức ăn cũng như các chất phụ gia được kiểm duyệt rất nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn thực phẩm. Các thực phẩm có chứa các dư lượng thuốc trừ sâu, không chỉ có thể gây ra ngộ đốc cấp tính mà còn khả năng gây ung thư.

Một số cách nấu thức ăn và bảo quản thực phẩm có thể sẽ tạo ra chất gây ung thư. Những thức ăn hun khói có thể bị nhiễm Benzopyrene. Việc nướng trực tiếp thịt ở nhiệt độ cao có thể sẽ tạo ra một số sản phẩm có khả năng gây đột biến gen.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đức Cảnh - Khoa Nội soi, thăm dò chức năng - Bệnh viện K (Hà Nội)