58 người tiếp xúc ca mắc bạch cầu tại TP.HCM phải uống thuốc dự phòng
Chiều 26/6, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) đã tổ chức họp báo liên quan ca mắc bạch hầu vừa được phát hiện tại đây.
Chưa ghi nhận ca bệnh mới
Đại tá, Tiến sĩ, Thầy thuốc ưu tú Trần Quốc Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), cho hay đơn vị này đã tiếp nhận, điều trị ca mắc bạch hầu cách đây 9 ngày. Đó là nam thanh niên 20 tuổi, ở TP.HCM. Tại nơi bệnh nhân sinh hoạt, công tác phòng chống dịch ngay từ khi phát hiện cho đến nay đều thực hiện tốt, không phát sinh thêm ca bệnh mới.
Trung tá, bác sĩ Phan Bá Hiếu, Phụ trách khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), cho biết bệnh nhân đến khám ngày 19/6, sau 2 ngày sốt. Bác sĩ khoa Tai Mũi Họng phát hiện giả mạc trong thành họng.
Khoa Vi sinh nhận được mẫu bệnh phẩm, lập tức nghi ngờ bệnh bạch hầu nên gửi mẫu sang Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm. Bệnh viện lập tức cách ly, thực hiện các biện pháp phòng dịch trong bệnh viện, gồm phun khử khuẩn, uống thuốc phòng cho những người tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Hiện, bệnh nhân được dùng kháng sinh, huyết thanh kháng độc tố bạch hầu. Đây là huyết thanh rất hiếm, khi bệnh viện liên hệ không có. May mắn, huyết thanh được gửi từ máy bay từ Hà Nội vào TP.HCM.
Nói về tình hình hết thuốc kháng độc tố điều trị bạch hầu, đại tá Việt cho biết từ lâu, TP.HCM và bệnh viện này chưa ghi nhận ca mắc bạch hầu. Do đó, hầu như thuốc kháng độc tố bạch hầu tại các cơ sở y tế TP.HCM đều quá hạn sử dụng. Bệnh viện phải liên hệ với cơ sở y tế tại Hà Nội để chuyển thuốc vào TP.HCM sau một ngày.
Hiện tại, bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị, hết sưng đau vùng cổ, giả mạc còn ít, lâm sàng ổn, chưa có biến chứng của bệnh bạch hầu.
Đối với ca này, bệnh viện khử khuẩn toàn bộ 3 khoa tại phòng khám bệnh, phòng khám tai mũi họng và khoa Truyền nhiễm. 16 người được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.
Tại bệnh viện, nhân viên khoa truyền nhiễm, chẩn đoán hình ảnh, tai mũi họng… cũng được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính.
Về vấn đề dịch tễ, đại diện bệnh viện cho hay nam bệnh nhân tiếp xúc chủ yếu với cơ sở đang học tập. Do đó, bệnh viện đã chủ động khoanh vùng người tiếp xúc gần. Ngoài 16 người tiếp xúc tại cơ sở học tập, bệnh viện cách ly, cho uống thuốc điều trị dự phòng 42 nhân viên y tế. Những người lành mang bệnh rất khó phát hiện. Nếu bệnh nhân tiếp xúc với trường hợp này thì rất khó điều tra.
Thuốc điều trị dự phòng bệnh bạch hầu được khuyến cáo uống trong vòng 7-10 ngày, có thể gây tác dụng phụ như đau dạ dày, dị ứng… Khi tiếp xúc gần với bệnh nhân bạch hầu, người dân cần tuân thủ uống thuốc dự phòng, khả năng bảo vệ có thể đạt 100% nếu cơ thể không kháng thuốc.
Cơ chế lây khác Covid-19
Theo bác sĩ Việt, bạch hầu khác Covid-19, do đó người dân không nên hoang mang. Bạch hầu xuất hiện rải rác ở một số địa phương tại Việt Nam và do vi khuẩn gây ra, kích thước và khối lượng vi khuẩn nặng gấp 10-20 virus gây Covid-19.
Cơ chế lây lan hai bệnh cũng khác nhau, SARS-CoV-2 trọng lượng nhỏ, tồn tại trong giọt bắn trong không khí, dễ dàng đi vào cơ thể con người. Vi khuẩn bạch hầu có kích thước lớn, chỉ lây khi tác động giọt bắn trực tiếp hoặc không rửa tay sau khi tiếp xúc.
Biện pháp phòng ngừa hiện nay là tiêm vaccine cho trẻ dưới 1 tuổi. Sau 5 năm tiêm nhắc lại có thể phòng ngừa trên 90%. Bên cạnh đó, nguyên tắc phòng ngừa bạch hầu tương tự bệnh truyền nhiễm Covid-19: Rửa tay, đeo khẩu trang, vệ sinh bề mặt. Khi có triệu chứng sốt, ho, đau họng… cần đi khám bệnh.
Bạch hầu có thuốc điều trị dự phòng. Nếu điều trị sớm, bệnh nhân có thể hồi phục tốt. Nếu phát hiện muộn, bệnh nhân có thể gặp biến chứng tim, suy hô hấp, suy tim cấp.
Đại tá Việt cho rằng từ khi có Chương trình tiêm chủng mở rộng, tình hình dịch chỉ xuất hiện rải rác tại một số địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Với ca bệnh này, trung tá Hiếu cho biết không biết bệnh nhân đã tiêm ngừa bạch hầu hay chưa. Tuy nhiên, ông cho rằng không phải tiêm ngừa vaccine bạch hầu là có thể ngừa bệnh 100%. Một số trường hợp tiêm trong thời gian quá lâu, cơ thể chưa tạo ra đủ kháng thể để kháng lại vi khuẩn gây bệnh.
Các bác sĩ khuyến nghị sau 5-10 năm, mỗi người có thể tiêm vaccine bạch hầu, bất kỳ độ tuổi nào. Nếu không nhớ đã tiêm vaccine hay chưa, chúng ta vẫn có thể tiêm nhắc lại.
Bạch hầu có vaccine phòng ngừa nên tỷ lệ nhiễm bệnh khá thấp (trừ trường hợp người chưa tiêm ngừa hoặc khiếm khuyết miễn dịch). Với trường học, công sở, cần giữ vệ sinh môi trường thông thoáng, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, che mũi, miệng khi ho, hắt hơi.
“Tuân thủ theo khuyến cáo phòng chống Covid-19 cũng là cách phòng chống bệnh bạch hầu”, đại tá Việt khẳng định.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...