Đâu là thời kỳ vàng cho sự phát triển của cột sống trẻ nhỏ?

Thông thường, trẻ sơ sinh trong khoảng 3 tháng tuổi đều giống như một “cục thịt”. Toàn thân đều mềm mại và non yếu, trong đó bao gồm cả cột sống của trẻ.

Theo các chuyên gia sức khỏe trẻ em trên Familydoctor: Trẻ 3 tháng tuổi thường đã có thể biết ngóc đầu, xương cột sống cổ có xu hướng lồi về trước. Đây có thể gọi là “đường cong” đầu tiên trong cuộc đời một người.

Thời kỳ vàng cần đảm bảo cho sự phát triển khỏe mạnh của cột sống ở trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ được 6 tháng tuổi đến khoảng 1 tuổi sẽ là giai đoạn xuất hiện “đường cong sinh lý” thứ hai. Lúc này, trẻ bắt đầu học ngồi, học bò, học đi và cột sống cũng sẽ nương theo chuyển động của trẻ mà hình thành độ lồi lõm rõ rệt.

Do đó có thể thấy, trẻ trong độ tuổi từ 3 tháng đến 1 tuổi chính là thời kỳ vàng để cột sống và xương sống cổ phát triển bình thường, khỏe mạnh. Nếu trong giai đoạn này, bố mẹ không chú ý để trẻ mắc phải những thói quen xấu, rất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cột sống của trẻ.

Những hành vi làm tổn thương đến cột sống của trẻ

Thói quen ẵm bồng trẻ quá nhiều của người lớn

Thói quen ẵm bồng quá nhiều cũng khiến cột sống của trẻ dễ bị xiêu vẹo - Ảnh minh họa: Internet

Khi một thiên thần nhỏ chào đời chính là lúc đem lại niềm vui, hạnh phúc lớn cho ông bà, cha mẹ và những thành viên khác trong gia đình. Vì vậy, nhiều người cảm thấy được ẵm bé suốt ngày là điều tuyệt vời. Kỳ thực, nếu để trẻ nằm trên tay trong thời gian dài sẽ khiến cột sống dễ xảy ra dị dạng.

Ngoài ra, trẻ nhỏ thường dễ khóc quấy. Nhiều bà mẹ thường chọn cách ẵm bé để dỗ dành, ru ngủ. Bạn nên biết rằng, vòng tay của con người cho dù cố gắng ẵm đúng cách thế nào cũng sẽ tạo độ cong nhất định. Thời gian dài, cột sống của trẻ cứ ở trạng thái uốn cong như vậy sẽ không thể phát triển tốt, thậm chí nếu người lớn bất cẩn còn dễ gây tổn thương cho cột sống.

Cho trẻ ngồi xe đẩy quá sớm

Không ít người khi trẻ sơ sinh chỉ vừa đầy tháng đã trực tiếp đặt trẻ vào xe đẩy để đưa trẻ ra ngoài. Nếu tình trạng này chỉ thỉnh thoảng một hay hai lần thì không sao, nhưng nếu quá thường xuyên sẽ khiến cột sống của trẻ dễ bị xiêu vẹo, gù lưng.

Bố mẹ không nên cho trẻ ngồi xe đẩy quá sớm - Ảnh minh họa: Internet

Đa số trẻ trong khoảng 6 tháng tuổi thì phần cơ và xương ở lưng đều rất mỏng manh, căn bản rất khó chống đỡ được thể trọng cả cơ thể. Vì vậy, nếu bố mẹ cho trẻ ngồi xe đẩy quá nhiều và quá sớm sẽ tăng nguy cơ trẻ bị gù lưng, đồng thời cũng ảnh hưởng đến sự phát triển các cơ quan nội tạng.

Bố mẹ cho trẻ chơi điện thoại quá nhiều

Cuộc sống hiện đại như ngày nay khiến trẻ nhỏ sớm có cơ hội tiếp xúc với điện thoại, tivi. Người lớn dễ có tâm lý cho trẻ cầm điện thoại để dỗ dành trẻ. Lâu ngày trẻ sẽ có xu hướng “nghiện” thiết bị công nghệ này.

Trẻ dù ở độ tuổi nào nhưng nếu cứ cúi đầu vào màn hình trong thời gian dài đều sẽ tạo gánh nặng không nhỏ cho cột sống và xương sống cổ. Trẻ lớn dần lên sẽ dễ có nguy cơ bị lưng gù, bệnh cột sống, hai bên vai cao thấp không đều, sức khỏe của đôi mắt cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hành vi cho trẻ ngồi sớm dễ làm tổn thương cột sống của trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Cho trẻ tập ngồi quá sớm

Nhiều người có quan niệm rằng trẻ vận động sớm thì chứng tỏ càng thông minh. Vì vậy, khi trẻ chỉ được 3 tháng tuổi đã phải tập ngồi một cách khó khăn. Hành động này của người lớn không những không thể hiện trẻ thông minh mà còn khiến thể trọng đè nặng lên cột sống yếu ớt của trẻ, gây ra dị dạng, tổn thương cho cột sống.

Trẻ ngồi chéo chân

Tính tò mò, hiếu kỳ và khả năng bắt chước của trẻ nhỏ rất mạnh. Do đó, khi người lớn có thói quen ngồi chéo chân sẽ khiến trẻ học theo. Điều này khiến cơ thể trẻ bị xiêu vẹo, tuần hoàn máu bị trở ngại, ảnh hưởng đến sự phát triển khỏe mạnh của cột sống.

Nguồn: http://baby.familydoctor.com.cn/a/201902/2539583.html