Trắc nghiệm nghề nghiệp là một phương pháp khoa học để phần nào giúp bạn dễ dàng định hướng nghề nghiệp cho mình thông qua những điểm mạnh, điểm yếu và sở thích của bản thân. Hãy cùng tham khảo 4 bài trắc nghiệm phổ biến là Holland, MBTI, Big Five, và Enneagram để lựa chọn cho mình một công việc "chân ái" nhé!

Hãy cùng tham khảo 4 bài trắc nghiệm phổ biến là Holland, MBTI, Big Five, và Enneagram để lựa chọn cho mình một công việc "chân ái" nhé! - Ảnh minh họa: Internet

Trắc nghiệm nghề nghiệp Holland

Trắc nghiệm nghề nghiệp Holland (hay còn gọi là trắc nghiệm sở thích Holland) được phát triển bởi tiến sĩ tâm lý học người Mỹ – John Holland. Bài trắc nghiệm này đã được sử dụng khá rộng rãi trong hướng nghiệp phổ thông tại các quốc gia phát triển nhất về giáo dục như Hà Lan, New Zealand, Thuỵ Sỹ, Italy… Tại Việt Nam, bài trắc nghiệm này còn khá mới nhưng cũng đang được áp dụng rộng rãi trong công tác hướng nghiệp.

Trắc nghiệm nghề nghiệp John Holland chia tính cách con người ra làm 6 nhóm, tương ứng với 6 loại ngành nghề phù hợp - Ảnh minh họa: Internet

Trắc nghiệm nghề nghiệp John Holland chia tính cách con người ra làm 6 nhóm, tương ứng với 6 loại ngành nghề phù hợp:

Kỹ thuật: Thích làm với những vật cụ thể, máy móc, dụng cụ, cây cối, con vật hoặc các hoạt động ngoài trời.

Nghiên cứu: Thích quan sát, tìm tòi, điều tra, phân tích, đánh giá hoặc giải quyết vấn đề.

Nghệ thuật: Có khả năng nghệ thuật, sáng tác, trực giác và thích làm việc trong các tình huống không có kế hoạch trước như dùng trí tưởng tượng và sáng tạo.

Xã hội: Thích làm việc cung cấp hoặc làm sáng tỏ thông tin, thích giúp đỡ, huấn luyện, chữa trị hoặc chăm sóc sức khỏe cho người khác, có khả năng về ngôn ngữ.

Quản lý: thích làm việc với những người khác, có khả năng tác động, thuyết phục, thể hiện, lãnh đạo hoặc quản lý các mục tiêu của tổ chức, các lợi ích kinh tế.

Nghiệp vụ: Thích làm việc với dữ liệu, con số, có khả năng làm việc văn phòng, thống kê, thực hiện các công việc đòi hỏi chi tiết, tỉ mỉ, cẩn thận hoặc làm theo hướng dẫn của người khác.

Mục tiêu của bài trắc nghiệm này là phát hiện ra những điểm nổi trội tiềm ẩn trong tính cách của mỗi cá nhân, từ đó lựa chọn nghề nghiệp và môi trường làm việc phù hợp.

Trắc nghiệm nghề nghiệp qua tính cách (trắc nghiệm nghề nghiệp MBTI)

Đây là bài trắc nghiệm khá phổ biến với giới trẻ Việt Nam. MBTI (hay Myers-Briggs Type Indication) là bài trắc nghiệm do hai mẹ con nhà Briggs (người Mỹ) phát triển - Ảnh minh họa: Internet

Đây là bài trắc nghiệm khá phổ biến với giới trẻ Việt Nam. MBTI (hay Myers-Briggs Type Indication) là bài trắc nghiệm do hai mẹ con nhà Briggs (người Mỹ) phát triển nhằm tìm hiểu tâm lý, và nhận biết cách con người tương tác, cảm nhận thế giới xung quanh, hay đưa ra quyết định cho một vấn đề nào đó. Ngày nay, bài trắc nghiệm này được áp dụng trong công tác tuyển dụng, đào tạo và quản lý nhân viên...
 
Có 4 nhóm MBTI, bao gồm: Xu hướng tự nhiên: Hướng ngoại (Extraversion) và Hướng nội (Introversion); tìm hiểu và Nhận thức thế giới: Giác quan (Sensing) và Trực giác (Intuition); quyết định và chọn lựa: Lý trí (Thinking) và tình cảm (Feeling); Cách thức và Hành động: Nguyên tắc (Judgment) và linh hoạt (Perception). Mỗi một yếu tố trong 4 nhóm trên kết hợp với nhau sẽ tạo thành 16 nhóm tính cách MBTI. Mỗi nhóm tính cách trong số đó sẽ phù hợp với những môi trường làm việc khác nhau.

Bài trắc nghiệm nghề nghiệp này sẽ giúp bạn trả lời được câu hỏi tại sao mỗi người trên thế giới lại có những tính cách khác nhau. Đồng thời, bạn sẽ hiểu rõ tính cách của mình, biết hạn chế khuyết điểm, và phát huy những ưu điểm trong cuộc sống. Từ đó, có định hướng cho bạn lựa chọn mảng công việc phù hợp theo khả năng của mình.

Test trắc nghiệm nghề nghiệp Big Five

Trắc nghiệm nghề nghiệp Big Five (hay còn gọi là trắc nghiệm OCEAN) dựa trên 5 mặt tính cách cơ bản nhất của con người - Ảnh minh họa: Internet

Trắc nghiệm nghề nghiệp Big Five (hay còn gọi là trắc nghiệm OCEAN) dựa trên 5 mặt tính cách cơ bản nhất của con người, đó là sẵn sàng trải nghiệm (O), tận tâm (C), hướng ngoại (E), dễ chịu (A), tâm lý bất ổn (N). Bài trắc nghiệm này được thai nghén từ cách đây hơn 100 năm và đã được nhiều nhà tâm lý học tiếp nối và hoàn thiện cho đến ngày nay. Theo bài trắc nghiệm này, mỗi cá nhân đều là sự kết hợp của tất cả các mặt tính cách này, với mức độ khác nhau. 5 mặt tính cách trong Big Five khá tương đồng với khả năng làm việc. Vì thế, Big Five được sử dụng rộng rãi trong hướng nghiệp để giúp học sinh phổ thông định hướng nghề nghiệp phù hợp cho mình.

Điểm cộng của bài trắc nghiệm Big Five đó là nó đưa ra kết quả chính xác cao nhất cho mỗi nét tính cách dựa trên hơn 300 câu hỏi khác nhau. Dựa trên kết quả trắc nghiệm, cha mẹ có thể xác định xem tính cách của con có phù hợp cho một công việc hay ngành nghề nào đó hay không. Cha mẹ cũng có thể dùng Big Five để kiểm tra xem trong một môi trường làm việc với những đặc điểm nhất định thì liệu tính cách của con mình có thể thích nghi được hay không. Mục tiêu của bài trắc nghiệm tính cách này rất đơn giản, đó là giúp con hạnh phúc trọn vẹn với lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Trắc nghiệm nghề nghiệp Enneagram 

Enneagram là bài trắc nghiệm nghề nghiệp miễn phí tổng hợp từ nhiều học thuyết về tâm lý học và triết học trên thế giới. Khác với 3 bài trên, Enneagram dựa trên sự kết hợp giữa đặc điểm tính cách tự nhiên và tác động của môi trường xung quanh cá nhân đó. Theo bài trắc nghiệm này, tính cách của con người không phải là cố định, mà luôn có sự biến đổi dựa vào môi trường và các tác động bên ngoài. Chín loại Enneagram tương đương với những thói quen nhất định về tư duy, cảm xúc, và hành vi của cá nhân theo một lộ trình phát triển độc nhất.

Bên cạnh 4 bài test trắc nghiệm nghề nghiệp trên, còn có rất nhiều các kiểu trắc nghiệm nghề nghiệp khác - Ảnh minh họa: Internet

Sở dĩ trắc nghiệm Enneagram lại phổ biến trong hướng nghiệp phổ thông là vì nó đưa ra sự đánh giá hai chiều giữa tính cách sẵn có và tác động bên ngoài. Kết quả hướng nghiệp từ bài trắc nghiệm này vì thế mang tính thực tế hơn rất nhiều. Enneagram giống như một chiếc gương soi chiếu, giúp con biết được những bài học cần rút ra, và cách thức để học chúng. Từ đó, con không những chọn được nghề nghiệp mình muốn theo đuổi, mà còn luôn vững vàng và biết tự trau dồi bản thân trên con đường sự nghiệp sau này.

Bên cạnh 4 bài test trắc nghiệm nghề nghiệp trên, còn có rất nhiều các kiểu trắc nghiệm nghề nghiệp khác như trắc nghiệm vui về bản thân, bói nghề nghiệp qua trắc nghiệm... bạn có thể tham khảo để định hướng nghề nghiệp cho mình. Tuy nhiên, có một số điểm cần lưu ý khi làm trắc nghiệm nghề nghiệp như sau:

Trắc nghiệm nghề nghiệp cho biết thiên hướng, không dự đoán thành công được nghề nghiệp của bạn, do đó, không nên mong chờ sẽ có một phần mềm hay một chương trình trắc nghiệm nghề nghiệp chính xác. Chính xác hay không là phụ thuộc vào bạn và rất nhiều các yếu tố khách quan khác. 

Trắc nghiệm nghề nghiệp không đưa ra cho bạn một lựa chọn ngành nghề duy nhất, mà định hướng về một mảng ngành nghề, hay nói cách khác đây là trắc nghiệm sở thích nghề nghiệp chứ không phải câu trả lời cụ thể. - Ảnh minh họa: Internet

Trắc nghiệm nghề nghiệp không đưa ra cho bạn một lựa chọn ngành nghề duy nhất, mà định hướng về một mảng ngành nghề, hay nói cách khác đây là trắc nghiệm sở thích nghề nghiệp chứ không phải câu trả lời cụ thể. Bạn phải tìm hiểu, đọc thêm thông tin về các ngành nghề này để xem ngành nghề nào mình yêu thích hơn cả, thành hay bại đều dựa vào chính bạn phải không nào?

Điểm chung của những bài trắc nghiệm hướng nghiệp là định hướng ngành nghề tương lai. Tuy nhiên, để làm ra một bài trắc nghiệm chất lượng và chính xác, đòi hỏi bài trắc nghiệm đó phải dựa trên những nghiên cứu đáng tin cậy, được viết bởi những chuyên gia bởi họ biết cách đặt câu hỏi rõ ràng để người đọc hiểu đúng và trả lời đúng trọng tâm.

Nếu người đọc hiểu sai câu hỏi và trả lời lạc đề, bài trắc nghiệm sẽ không đo lường được thứ cần đo và sẽ định hướng sai. Những bài trắc nghiệm nghề nghiệp tự chế, trôi nổi trên internet thường có cách đặt câu hỏi mù mờ, dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt với nhiều lỗi dịch thuật, hoặc cho ra kết quả rất sơ sài, thiếu sót. Bạn cần phải tìm cho một nguồn bài test trắc nghiệm tính cách chính xác để đưa ra quyết định quan trọng bậc nhất đời người này một cách "lý trí" nhất bạn nhé!

* Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo