Trường hợp dưới đây là một ví dụ cụ thể để chị em không nên xem thường việc sinh đẻ.

Một sản phụ N.T.T. (24 tuổi, trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng) mang thai lần đầu, nhập viện khi có dấu hiệu chuyển dạ, thai nhi ở tuần thứ 39. Sản phụ được chuyển vào phòng đẻ với các chỉ số bình thường. Tuy nhiên trong lúc đang rặn đẻ, sản phụ đột ngột bị tức ngực, khó thở, chân tay co cứng.

Trước tình trạng chuyển biến xấu đột ngột của sản phụ, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng, lập tức nghĩ tới trường hợp sản phụ bị thuyên tắc mạch ối dẫn tới tụt huyết áp, rối loạn vận mạch và điện giải dẫn tới suy thai cấp.

Kíp phẫu thuật đã cứu sống thành công sản phụ bị thuyên tắc mạch ối nặng - Ảnh: THU DUNG/Tuổi Trẻ

Chế độ báo động đỏ của bệnh viện lập tức được khởi động, các bác sĩ khẩn cấp hồi sức cấp cứu cho sản phụ và quyết định mổ lấy thai. Tại phòng phẫu thuật, các bác sĩ vừa cấp cứu ngừng tuần hoàn, vừa phẫu thuật lấy thai chỉ trong vỏn vẹn 30 giây. 

Kíp mổ đã lấy thành công bé trai nặng 3,5kg ra khỏi bụng mẹ, đưa sang Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng chăm sóc, đồng thời tiếp tục cấp cứu người mẹ. Sau nhiều giờ nỗ lực của các bác sĩ, tim của sản phụ dần đập đều trở lại và huyết áp ổn định.

Tuy nhiên khoảng 1 ngày sau, ý thức của sản phụ vẫn không hồi phục hoàn toàn mà có dấu hiệu kích thích. Các bác sĩ đã hội chẩn khẩn với các bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Các chuyên gia đánh giá đây là một ca bệnh rất nặng, cần phải chuyển gấp lên Bệnh viện Bạch Mai để điều trị hạ thân nhiệt bảo vệ não. Tại khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, sau 72 giờ hạ thân nhiệt bảo vệ não, sản phụ được làm ấm lại và tỉnh hoàn toàn, tổn thương phổi cũng hồi phục nhanh chóng.

Theo các bác sĩ, những trường hợp sản phụ gặp biến chứng thuyên tắc mạch ối luôn là nỗi ám ảnh đối với các bác sĩ sản khoa vì bệnh diễn biến rất nhanh, phức tạp nên tính mạng của sản phụ và thai nhi luôn trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc".

Tắc mạch ối là gì?

Tắc mạch ối là hiện tượng nước ối, các tế bào của thai nhi, lông tơ, tóc hoặc các mảnh mô khác lọt vào trong hệ tuần hoàn của người mẹ, dẫn đến suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính ở phụ nữ mang thai, thậm chí, hiện tượng tắc mạch ối còn gây ra nguy cơ tử vong cho mẹ bầu nữa.

Tắc mạch ối là hiện tượng nước ối, các tế bào của thai nhi, lông tơ, tóc hoặc các mảnh mô khác lọt vào trong hệ tuần hoàn của người mẹ. Ảnh minh họa: Internet

Các yếu tố nguy cơ gây tắc mạch ối như:

- Sản phụ trên 35 tuổi và con dạ nguy cơ cao hơn con so.
- Mổ lấy thai, đẻ đường dưới có can thiệp thủ thuật Forcep, giác kéo, chọc hút nước ối.
- Đa ối, đa thai (tử cung quá to), thai chết lưu, rau tiền đạo, rau bong non, tiền sản giật, sa dây rốn ...
- Tổn thương tử cung hoặc cổ tử cung.
- Tắc mạch ối thường xảy ra trong chuyển dạ nhưng cũng có thể xảy ra trong khi mổ lấy thai, sảy thai, chấn thương bụng, chọc hút nước ối, thậm chí có thể gặp sau khi đẻ, sau khi mổ lấy thai.

Thời điểm xảy ra tắc mạch ối theo tùy trường hợp:

- 12% số trường hợp xảy ra khi màng ối còn nguyên.
- 70% xảy ra trong chuyển dạ.
- 19% xảy ra trong khi mổ lấy thai khi đã có chuyển dạ hay khi chưa có chuyển dạ.
- 11% xảy ra sau đẻ qua đường âm đạo.

Biến chứng tắc mạch ối

Do biến chứng hay xảy ra đột ngột và tiến triển rất nhanh nên hầu hết người bệnh đều tử vong. Trong trường hợp thai nhi chưa xổ thì hầu hết không thể cứu kịp, bác sĩ có thể mổ ngay để cứu thai nhi nhưng tính may rủi rất lớn.

Hậu quả về tinh thần và vận động cho mẹ và con do bị thiếu oxy não

Hội chứng Sheehan làm chảy máu nặng dẫn tới hoại tử một phần hoặc toàn bộ thùy trước tuyến yên gây suy tuyến yên, biểu hiện bằng dấu hiệu vô kinh, rụng lông, rụng tóc, suy tuyến giáp, suy tuyến thượng thận, mất sữa.

Một số biến chứng khác: mất máu nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần sản phụ, có thể dẫn đến suy gan, suy thận, suy đa tạng, rối loạn đông máu và dễ nhiễm khuẩn hậu sản. Ngoài ra, việc truyền máu điều trị chảy máu sau đẻ làm tăng các nguy cơ và biến chứng của truyền máu.