Trong hôn nhân việc vợ chồng tranh cãi, mâu thuẫn, lớn tiếng là chuyện bình thường. Mặc dù vậy, nếu không tìm cách giải quyết hoặc hòa giải mà cứ suốt ngày cãi vã thì trước sau gì cũng ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng, gia đình xào xáo, dần không tìm được tiếng nói chung. Thậm chí dẫn đến ly dị và những chuyện đáng tiếc hơn.

Chính vì thế, nếu hiểu mình và đối phương thuộc kiểu khắc khẩu, ít hòa hợp được với nhau thì cả hai nên ngồi lại cùng chia sẻ và thực hiện 3 bí quyết sau để dừng những trận cãi vã không đáng có xảy ra.

Vợ chồng khắc khẩu là chuyện bình thường nhưng nhớ phải có bí quyết riêng để giữ lửa yêu thương. (Ảnh: Hiệu ảnh số 8)

1. Nhận lỗi trước, nói chuyện sau 

Khi cãi nhau chúng ta thường có xu hướng đổ lỗi cho đối phương. Hay nói cách khác là vợ hoặc chồng không nhận lỗi là do mình gây ra mà thường xuyên đẩy sang cho đối phương hoặc người khác. Vậy nên, để tránh những cơn cãi vã từ cùng một vấn đề mà vẫn mãi tiếp diễn về sau, thì khi một trong hai người cảm thấy bản thân mình có một phần lỗi thì có thể nhận lỗi trước, rồi bình tĩnh ngồi lại cùng nói chuyện sau.

Trong hôn nhân, thay vì quá cố chấp và cứng đầu, sao không thử nhún nhường, hạ cái tôi cá nhân xuống để giữ hạnh phúc gia đình. (Ảnh: Hiệu ảnh số 8)

Chẳng hạn như nếu người vợ phàn nàn, tỏ thái độ khó chịu về việc chồng hay đi sớm về muộn, lúc nào cũng tụ tập với bạn bè mà sao nhãng việc trong nhà. Nếu điều này là thật thì anh chồng nên chịu trách nhiệm về những hành động đó của mình chứ không nên tìm cớ để đổ lỗi hoặc viện đủ lý do. 

Hoặc khi người chồng có nói đến về vấn đề mẹ chồng nàng dâu, thì vợ cũng nên nhận lỗi nếu thực tế vợ đã có nói hoặc làm điều gì đó không phải với mẹ. Là người vợ thông minh, sai thì nhận lỗi chớ đừng dại mà nói tại vì mẹ thế này thế kia hay tại anh nên mới vậy...

2. Nên nói lởi xin lỗi vợ/chồng

Chịu trách nhiệm là bước đầu tiên để giúp hai vợ chồng cho nhau cơ hội để nhìn nhận, sửa sai thì xin lỗi trước là cách để bạn có thể làm dịu đối phương. Vậy nên, hãy xin lỗi vợ/chồng vì đã suốt ngày chỉ trích, than vãn hoặc bắt họ phải làm theo ý mình quá nhiều. Nhưng phải nhớ rằng bạn nên nói lời xin lỗi chân thành và thật dịu dàng với nửa kia để cả hai thấu hiểu và tránh không làm tổn thương nhau. 


Nếu sai, hãy mạnh dạn nhận lỗi trước, đừng để mọi chuyện đi quá xa, không thể giải quyết được. (Ảnh: Hiệu ảnh số 8)

Trong cuộc sống, có rất nhiều người gặp khó khăn mỗi khi có ý định nói lời xin lỗi với bạn đời của mình. Nhưng bạn nên biết nếu có lỗi thì nhất định phải xin lỗi, bởi vì điều này vô cùng cần thiết để tình cảm vợ chồng không bị nguội nhạt theo năm tháng.

Nếu nóng giận có lỡ nói vài lời khó nghe với người ấy thì bạn cũng nên chủ động xin lỗi trước. Nhưng nhớ là phải tránh câu "em/anh xin lỗi, nhưng...”,  vì sau chữ "nhưng" đó rất có thể sẽ là khởi nguồn cho một cuộc tranh cãi tiếp theo. 

3. Lấy tình yêu của cả hai ra để xoa dịu

Nếu nhận thấy mình và đối phương luôn khắc khẩu với nhau trong mọi việc vậy thì hãy lấy tình yêu của cả hai ra để xoa dịu nhau. Phải luôn đặt mình vào tình thế của người đối diện và suy nghĩ thử xem nếu trong trường hợp như vậy thì bản thân có làm giống như bạn đời của mình không. Điều này không mang ý nghĩa là phải bạn đồng tình, ủng hộ với tất cả những gì người kia làm, nhưng ít ra bạn vẫn có thể hiểu được cảm giác của đối phương ngay lúc đó. Có thể vì áp lực, căng thẳng hoặc gặp chuyện không vui nên họ mới nói ra những lời cay đắng, làm tổn thương mình như vậy. 

Hãy luôn thông cảm, sẻ chia và yêu thương nhiều hơn để vợ chồng thêm hiểu và tin tưởng vào cuộc hôn nhân này. (Ảnh: Linh Miêu)

Vậy làm thế nào để cảm thông được khi hai vợ chồng đều đang tức giận, cãi nhau?Trong trường hợp này, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất đó chính là phải biết lắng nghe. Bởi vì, nếu không có sự lắng nghe mà cứ cố chấp đưa ra các ý kiến của mình thì chắc chắn câu chuyện sẽ mãi không có cách giải quyết êm đẹp.