23-25% bệnh nhân nặng và tử vong ở các BV tuyến đầu chưa tiêm vaccine COVID-19
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp Tổ chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh COVID-19 diễn ra sáng ngày 19/8. Cuộc họp kết nối từ Trung tâm quản lý và điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị COVID-19 của Bộ Y tế đến các điểm cầu điều trị trên cả nước.
PGS. TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp tại điểm cầu tại TP Hồ Chí Minh.
Cuộc họp nhằm kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác chăm sóc, điều trị ca bệnh COVID-19 trong giai đoạn hiện nay khi dịch bệnh đang có xu hướng gia tăng số ca bệnh chuyển nặng, nguy kịch và tử vong.
Tại Bộ Y tế có sự tham gia của TS Nguyễn Trọng Khoa, TS Vương Ánh Dương- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, GS.TS. Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn xây dựng các tài liệu, hướng dẫn chuyên môn và quy định bảo đảm công tác chẩn đoán và điều trị COVID-19, BSCK II Nguyễn Hồng Hà- Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam.
Tham gia trực tuyến cuộc họp còn có đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, đại diện BV Bạch Mai, BV Bệnh nhiệt đới TW, BV Chợ Rẫy, BV TW Huế, BV Nhiệt đới Tp Hồ Chí Minh, BV Đà Nẵng…
Gia tăng bệnh nhân COVID-19 nặng tại các cơ sở điều trị
TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, trong một tháng qua, đã có hơn 45.000 ca mắc mới trên toàn quốc. Trung bình hơn 1.500 ca/ngày, riêng ngày 18/8 đã có trên 3.000 ca mắc. Xu hướng gia tăng ca mắc COVID-19 đã hiện rõ.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã chỉ đạo các cơ sở sàng lọc, phân luồng và thu dung điều trị theo Quyết định 1226/QĐ-BYT ngày 17/5/2022, các khoa lâm sàng, khoa truyền nhiễm tiếp nhận các ca nghi nhiễm; không tổ chức bệnh viện dã chiến. Hiện môt số địa phương có kế hoạch kích hoạt lại BV Dã chiến như TP HCM. Các bệnh nhân COVID-19 nặng hiện chủ yếu điều trị tại các viện tuyến cuối.
Trong số 30 ca đang điều trị tại BV TW Huế hiện nay, số các ca nặng, nguy kịch là 6 trường hợp nặng, nguy kịch, 5 ca thở máy.
BV Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, trong hơn 232 bệnh nhân nhập viện tháng 8 có đến 46% bệnh nhân trên 65 tuổi; số bệnh nhân chưa tiêm phòng vaccine điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chiếm 24,3%. Có 3 ca tử vong. Hiện tại bệnh viện đang điều trị 123 ca, trong đó có 26 ca thở máy, 1 ca ECMO….
Riêng tại BV Chợ Rẫy, từ 10/5-16/7/2022, không có ca bệnh nhân COVID-19 điều trị. Đến ngày 17/7 phát hiện ca COVID-19 đầu tiên trong bệnh viện. Từ ngày 18/7-17/8/2022: có 32 bệnh nhân COVID-19 điều trị, trong đó có 31 ca nhập viện trong tháng 8/2022. Trong số các bệnh nhân này có 19 bệnh nhân mức độ nặng/nguy kịch; tử vong 6 bệnh nhân.
Tại cuộc họp Hội đồng chuyên môn, GS.TS Nguyễn Gia Bình đã cùng các thành viên đã trao đổi chuyên môn về một số ca bệnh nặng đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TW, Bệnh viện TW Huế và BV Chợ Rẫy.
Hệ thống khám chữa bệnh kích hoạt lại để điều trị COVID-19, theo dõi biến thể, biến chủng đối với bệnh nhân nặng và tử vong
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Qua báo cáo của BV Chợ Rẫy, BV TW Huế, BV Bệnh Nhiệt đới TW nhận thấy, bệnh nhân nhiễm COVID-19 có xu hướng tăng, đặc biệt bệnh nhân nặng tăng lên rõ rệt trong những ngày đầu tháng 8/2022. Do đó, cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác đối với các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh.
Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Hội đồng chuyên môn tập huấn cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 cũng như theo dõi, xử trí đối với các ca từ nhẹ chuyển nặng, hạn chế tử vong do cán bộ biến động, luân chuyển;
Hiện các trường hợp nặng và tử vong chưa tiêm vaccine COVID-19 chiếm tỷ lệ 23-25% ở các tuyến; tại BV Chợ Rẫy, tỷ lệ tử vong do không tiêm vaccine là 50%. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, các địa phương cần rà soát, lập danh sách quản lý, theo dõi và tiêm vaccine cho đối tượng có tuổi, mắc bệnh nền đúng thời gian để đảm bảo hiệu lực của vaccine.
Với những biến chủng mới hiện này, Thứ trưởng đề nghị các bệnh viện phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Viện Pasteur… theo dõi biến thể, biến chủng đối với bệnh nhân nặng và tử vong.
Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương đánh giá lại các nguồn lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất, nhân lực chuẩn bị cho 4 tại chỗ. Hiện tại, Bộ Y tế chưa yêu cầu các địa phương thành lập Bệnh viện dã chiến; mô hình bệnh viện tách đôi vẫn phù hợp.
"Đối với các trường hợp nặng, chuyển biến nặng cần theo dõi và điều trị tại chỗ và chỉ chuyển viện sau khi có hội chẩn và đảm bảo đầy đủ, trang thiết bị khi vận chuyển" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Đối với một số thuốc phục vụ công tác điều trị, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần có dự trù và lập kế hoạch để thực hiện điều phối thuốc phù hợp và đáp ứng công tác điều trị.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....