"Khó đi, mẹ bế con đi”

Trong căn phòng trọ ọp ẹp với giá thuê vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng cạnh trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM lại tồn tại một câu chuyện cổ tích về cô bé tật nguyền 15 năm đến trường bằng đôi chân của mẹ. Em là Nguyễn Lương Phương Thủy, 20 tuổi, sinh viên ngành Công nghệ thông tin, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM.

Vuốt lại mái tóc rối đẫm mồ hôi sau khi đẩy chiếc xe bán bánh vào vị trí rồi trở về phòng, bà Lương Thị Phước (57 tuổi, quê Phù Mỹ, Bình Định) bắt đầu cất giọng kể về hành trình cuộc đời đầy sóng gió từ lúc chào đời của Thủy - con gái bà.

Sinh ra với khuôn mặt bụ bẫm và thông tin, ai cũng nghĩ cô bé Phương Thủy rồi sẽ khôn lớn, thông minh và giỏi giang như 2 người anh, chị của mình. Thế nhưng tai họa nghiệt ngã ập xuống gia đình nhỏ ấy vào thời điểm Thủy được 19 tháng tuổi. Sau một lần tiêm ngừa, cả người em đỏ ửng và sưng phù hẳn lên, dù đủ loại thuốc cũng không cải thiện.

Lo cho con, bà bàn với chồng đưa Thủy ra Hà Nội chữa bệnh. “Các bác sĩ từ nước ngoài đến Việt Nam cho biết đôi chân của Thủy không có cơ hội hồi phục. Bác sĩ còn bảo tôi bỏ cuộc đi vì con tôi không thể nào cứu sống được, nhưng còn nước còn tát, bỏ cuộc đồng nghĩa với giết con, người làm cha mẹ như tôi sao mà đành lòng. Hết tiền bạc tích cóp, vợ chồng tôi bán nhà, đưa con vào TP.HCM rồi ra Đà Nẵng, về lại Quy Nhơn. May mắn mạng sống của con được cứu, nhưng đôi chân thì mãi mãi không thể phục hồi. 2 tuổi, con gái tôi đã trở thành người tàn tật”, nuốt nước mắt, bà Phước kể lại.


Đều đặn 15 năm, bà Phước đều bế con đến trường.

Nhà bán xong, trở về quê không còn chút vốn liếng nào, may nhờ gia đình hàng xóm thương tình, người vài chục, người vài trăm, gom góp được chút ít cho gia đình bà Phước xây lại căn nhà nhỏ trên mảnh đất của mẹ ruột. Ngày qua ngày, 2 vợ chồng nghèo làm lụng tích cóp để nuôi 2 người anh chị của Thủy đến trường và lo cho em điều trị bệnh. Làm mãi nhưng không trả hết nợ, cha Thủy lên Tây Nguyên làm thuê, mẹ ở quê làm công nhân, trồng lúa, hái đậu... chỉ mong con đi lại bình thường.

“Từ đợt bệnh lúc 19 tháng, Thủy biến dạng cả 2 chân và không thể đi lại, chỉ có thể nằm một chỗ. Mọi sinh hoạt đều do mẹ hỗ trợ. Thương con lắm, nhưng dù làm mọi cách cũng không thể mang đôi chân lại cho con”, bà Phước nói.

Đi chưa vững, chạy chưa quen chân, cô bé 2 tuổi đã phải bất động vì căn bệnh hiểm nghèo. Cả quãng thời gian tuổi thơ của em là kí ức về những buổi sáng nép mình bên vách lá nhìn bạn bè đồng trang lứa đến trường, ánh mắt buồn hiu những buổi chiều ngưỡng vọng ra bờ đê nhìn anh em chạy nhảy, vui chơi. Những điều mà em chỉ mong được một lần trải nghiệm trong đời cùng chúng bạn. 

Không phụ lòng mẹ, Thủy luôn cố gắng và học rất giỏi.

Thấy Thủy ham học, trong một lần họp phụ huynh cho anh trai Thủy, bà Phước ngập ngừng bộc bạch với cô chủ nhiệm của con. Cô xin ý kiến của thầy hiệu trưởng và được chấp thuận, và rồi Thủy được mẹ bế đến lớp ngồi cùng với anh. Cứ ngỡ chiều ý cho con vui, ai ngờ Thủy học đến đâu thông thạo đến đó. Năm học sau, em được làm hồ sơ nhập học. Từ đó, chặng đường học vấn của cô bé tật nguyền bắt đầu, em đến trường bằng đôi chân của mẹ.

Mỗi nấc thang học vấn mà con đi qua đều in đậm những giọt mồ hôi khó nhọc của mẹ. Cặp vắt một bên, 2 tay bà Thủy lần lượt ôm lấy tay và đôi chân co quắp của con, chân bà lặng lẽ bấu chặt vào từng bậc cầu thang trường học. Có những khi học hay thi đến tận lầu 7-8 của trường, lúc lên đến lớp, Thủy sờ vào lưng áo mẹ, em nhói lòng vì thấy áo ướt đẫm mồ hôi.

Kể về hành trình bế con đến lớp của mình, bà Phước thủ thỉ cho biết chính con là động lực để bà vượt lên mọi khó khăn. Khổ cách mấy, cực cách mấy chỉ cần con được đến trường học chữ, bà chấp nhận mọi vất vả, gian nan. “Tôi hay nói với con, con đi tới đâu, mẹ đi tới đó, chừng nào mẹ hết đi nổi thì thôi. Chứ giờ còn đi nổi thì con cứ đi. Khó khăn cách mấy mẹ cũng không sợ. Chỗ nào khó đi thì mẹ bế con đi”, bà Phước bộc bạch.

“Gì mẹ cũng sợ, chỉ không sợ khổ”

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại tật nguyền, thế nhưng 12 năm học, Thủy luôn là học sinh xuất sắc, nhiều năm liền nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của trường, của tỉnh. Ngày làm hồ sơ đăng kí thi đại học, 2 mẹ con Thủy giấu nhẹm cả gia đình. Nhận được thông báo đậu Đại học Khoa học tự nhiên ngành Công nghệ thông tin, Thuỷ lí nhí báo với mẹ. Trái với lo sợ của con, bà Phước mỉm cười.

“Mẹ có nuôi 2 con nghé, để dành con thi đậu là mẹ bán liền. Đừng có lo, mình chuẩn bị lên Sài Gòn cho con học, dắt nghé đi bán luôn. Con đi đâu, mẹ đi đó, mẹ lên Sài Gòn nhập học với con”, bà Phước cười tươi thuật lại.

Ngần ấy thời gian, mẹ là đôi chân cho con đến trường.

Từ đó, đều đặn mỗi sáng, chiều, người ta lại thấy hình ảnh người mẹ với thân hình gầy nhom bế cô con gái vào tận giảng đường. Mưa cũng như nắng, hình ảnh 2 mẹ con in đậm vào không gian hành lang của ngôi trường, bàn chân bà Phước rảo bước hầu như khắp các bậc cầu thang trường Đại học.

“Nắng mưa gì mẹ cũng bế em đi học, có hôm mẹ phải chờ cả buổi để đón em, có hôm phải canh giờ để bế em về, nhiều khi mẹ bỏ hết công việc chỉ để đưa em đến trường. Mẹ em sợ nhiều thứ lắm, ngày lên Sài Gòn, mẹ sợ xe nên không dám qua đường, mẹ sợ em đói, sợ em mệt, sợ em đau. Duy nhất chỉ có một thứ mẹ không biết sợ là sợ khổ mà thôi”, ngấn nước mắt nhìn mẹ, Thủy nói.

Ngày mới đưa con vào Sài Gòn nhập học, bà Phước bảo bà con hàng xóm nhiều người cứ nói ra nói vào, rằng nhà nghèo mà còn cố để con đi học xa, rằng sao không để nó lên Sài Gòn làm mướn kiếm tiền trả nợ. Bỏ hết ngoài tai, bà Phước bảo chỉ cần nhìn thấy con khoẻ mạnh, học giỏi, có khổ mấy bà cũng chẳng phiền lòng.

Gì mẹ cũng sợ, chỉ không sợ khổ.

Lên Sài Gòn, 2 mẹ con bà thuê căn phòng nhỏ ọp ẹp với chi phí hơn 1 triệu đồng/ tháng làm chỗ trú ngụ. Sau khi đưa Thủy đến giảng đường, bà quay trở về một quán cháo sườn để làm thuê. Mấy tháng gần đây, bà Phước đổ bệnh nên không làm được việc nặng. Bà cố thức dậy từ 2 giờ sáng để đồ xôi, hấp bánh bèo đem bán kiếm tiền nuôi con.

“Ngày nào bán hết được hàng thì tôi kiếm được khoảng 200 nghìn đồng, đủ để chi phí sinh hoạt cho 2 mẹ con. Tôi chỉ ước mong sau con học giỏi, sau này tốt nghiệp có việc làm ổn định. Lúc đó tôi sẽ về lại quê, kiếm tiền xây lại căn nhà cho khang trang, để sau này mình có chết, vẫn còn gì đó để lại cho con. Đời nó khổ quá nhiều”, đưa tay lau nước mắt, bà Phước nói.

Vuốt tóc mẹ, Thủy rưng rưng: “Con không khổ, đời con may mắn nhất là có mẹ. Không cần gì hết, con chỉ cần có mẹ ở bên”.