Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, khi trẻ đủ 6 tháng tuổi là giai đoạn bắt đầu tập ăn dặm tốt nhất. Ở giai đoạn này, hệ tiêu hóa của bé đã ổn định hơn, phản xạ nhai của bé cũng tốt hơn và đặc biệt, thời gian này, các bà mẹ đã hết thời gian nghỉ thai sản, phải đi làm trở lại nên việc cho bé tập ăn dặm sẽ tốt hơn cho cả mẹ và con.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều mẹ cho rất háo hức cho con ăn dặm từ sớm hoặc cho con ăn dặm không đúng cách khiến trẻ không những không hấp thụ đủ chất mà ngày càng suy dinh dưỡng trông thấy.

Một số sai lầm khi cho con ăn dặm sau đây mẹ cần chú ý
 Thời điểm ăn dặm không hợp lý

Sai lầm của nhiều phụ huynh là cho con ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn so với thời điểm có thể bắt đầu. Nếu cho bé ăn dặm quá sớm, trước 6 tháng tuổi: do hệ men tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, trẻ sẽ khó khăn trong việc hấp thụ thức ăn, trẻ sẽ bị khó tiêu, gây nên tình trạng ít bú mẹ.

Ăn nhiều bữa bột/ngày

Ở mỗi tháng tuổi, nhu cầu năng lượng của bé khác nhau và mẹ nên cung cấp một lượng vừa phải. Nếu bắt trẻ ăn nhiều quá, mà bữa nào cũng cố ép ăn hết bát, trẻ sẽ chán và sợ ăn.

Không cho hoặc cho rất ít dầu

Không cho hoặc cho rất ít dầu khiến bát bột không cung cấp đủ năng lượng cho trẻ. Thực ra dầu ăn dễ tiêu hóa lại rất giàu năng lượng và giúp hòa tan các chất khác khiến cơ thể dễ hấp thu.

Nghiền nhuyễn mọi thức ăn

Nghiền nhuyễn thức ăn khiến bé không được học nhai, chỉ biết nuốt chửng, từ đó không cảm nhận được mùi vị thức ăn, dẫn đến nhanh chán. Nhiều trẻ 3 tuổi đi mẫu giáo không ăn được cơm cùng các bạn do ở nhà bố mẹ vẫn cho ăn cháo xay.

Nấu một nồi cháo ăn cả ngày

Nhiều phụ huynh có thói quen nấu một nồi cháo có đầy đủ thịt, rau từ sáng rồi để bé ăn cả ngày, đến bữa nào lại lấy ra xay rồi nấu lại. Với cách này, cháo bữa sau sẽ có mùi khó chịu, rau giảm chất lượng và chắc chắn trẻ sẽ không thích ăn.

 Bổ sung thịt/cá quá sớm cho bữa ăn

Cho con ăn bột mặn hoặc cháo kèm theo thịt, cá, trứng… xay nhuyễn quá sớm (từ tháng thứ 6) sẽ khiến trẻ khó hấp thu, dẫn đến bé bị đầy bụng, khó tiêu, cảm thấy khó chịu, khóc, nhè, nôn trớ hoặc đi phân sống cả tuần, tiêu chảy… đó là những phản kháng tự nhiên của cơ thể. Ngoài những triệu chứng trên, nếu mẹ cho bé ăn mặn quá sớm sẽ làm tăng nguy cơ bé mắc chứng biếng ăn ở trẻ.

Vậy khi nào bé có thể ăn thêm thịt, cá? Mẹ chỉ nên cho bé ăn các thức ăn nhiều đạm như thịt, cá, trứng… khi bé trên 8 tháng tuổi. Quy tắc là cho bé ăn từng ít một, xen kẽ các bữa mặn-ngọt và cho bé ăn bột mặn vào buổi sáng để bé dễ tiêu hóa.

Cho trẻ ăn quá nhiều đạm

Nhiều mẹ nấu bột có thói quen cho thật nhiều thịt, cá, trứng,… và nghĩ như thế mới đủ chất nhưng lượng đạm quá nhiều không những làm bé rối loạn tiêu hóa mà còn dễ dẫn đến biếng ăn.

Thêm cháo/bột, bớt sữa

Thực tế là bé dưới 1 tuổi vẫn cần sữa cho bữa chính, bột/cháo chỉ là bữa phụ, ăn thêm, ăn chơi thôi. Trẻ dưới 12 tháng tuổi lớn là nhờ sữa không phải nhờ ăn. Nhiều mẹ khi bắt đầu cho con ăn dặm là giảm luôn lượng sữa cần phải có đủ trong ngày cho bé, với lý do: uống sữa nhiều thì bụng đâu mà ăn cháo/bột.

Các mẹ nên nhớ, bé 5 tháng tuổi cần 1.200 - 1.400 ml sữa mỗi ngày. Lên 6 tháng, bắt đầu tập ăn dặm, nhưng cũng cần uống lượng sữa từ 1.200 - 1400 ml sữa mỗi ngày, còn ăn dặm chỉ là vài muỗng nhỏ “tập sự”. Trẻ 8 tháng tuổi ngoài ăn dặm phải uống từ 900ml - 1200ml sữa và 10 tháng tuổi vẫn cần uống từ 700ml - 1.000 ml sữa mỗi ngày. Lượng sữa này có thể ít hay nhiều tùy nhu cầu của từng bé.

Chỉ cho ăn nước, không ăn cái

Đây là thói quen của nhiều mẹ khi cho bé ăn dặm. Thực tế, điều này chỉ phù hợp với bé trong vài ngày đầu, sau đó cần cho trẻ ăn luôn xác thịt, cá, rau… thì mới bảo đảm chất dinh dưỡng cho trẻ tăng trưởng.

Bữa ăn kéo dài

Cố bắt con ăn hết bát bột, vừa ăn vừa chơi hay đi rong có khi kéo dài cả 1-2 tiếng… là lỗi phổ biến nhất. Điều này vừa làm bát bột vữa, khó ăn, vừa khiến bé thêm chán. Hơn nữa bữa ăn kéo dài khiến thời gian tới bữa sau quá ngắn, bé còn chưa kịp cảm thấy đói. Vòng luẩn quẩn này khiến bé ngày càng không muốn ăn. Tốt nhất, bữa ăn chỉ nên kéo dài nhiều nhất là 30 phút, dù bé mới ăn được ít cũng nên kết thúc.