10 điều quan trọng khi nuôi con bằng sữa mẹ có thể bạn chưa biết
1. Các loại sữa mẹ
Sữa non
Là loại sữa mẹ đặc biệt, được tiết ra trong 3 ngày đầu sau đẻ. Sữa non sánh đặc, có màu vàng nhạt hoặc trong. Sữa non chứa nhiều đạm hơn sữa trưởng thành.
Trẻ được bú sữa non trong những bữa bú đầu tiên là rất quan trọng, đặc biệt trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Sữa non đã có sẵn trong vú ngay khi trẻ sinh ra. Không nên cho trẻ bất cứ thức ăn, nước uống nào trước khi trẻ bắt đầu bú mẹ.
Sữa trưởng thành
Sau khoảng 3 - 4 ngày sữa non chuyển sang sữa trưởng thành. Số lượng sữa nhiều hơn làm 2 bầu vú mẹ đầy, căng cứng. Người ta gọi đây là hiện tượng xuống sữa.
Sữa đầu bữa
Là sữa được tiết ra đầu bữa bú của trẻ. Sữa đầu bữa có màu trắng trong, số lượng nhiều và cung cấp nhiều đạm, đường, nước và các chất dinh dưỡng khác.
Sữa cuối bữa
Là sữa được tiết ra cuối bữa bú của trẻ. Bầu vú mẹ lúc này đã hết căng. Sữa cuối bữa có màu trắng đục vì chứa nhiều chất béo hơn sữa đầu bữa. Chất béo cung cấp nhiều năng lượng cho trẻ giúp trẻ lớn nhanh hơn.
2. Đáp ứng nhu cầu năng lượng từ sữa mẹ
Trong 6 tháng đầu sau sinh, bú mẹ hoàn toàn giúp đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng và nước cho trẻ.
Từ 6 - 12 tháng tuổi sữa mẹ cung cấp 70% nhu cầu năng lượng.
Từ 1 - 2 tuổi sữa mẹ cung cấp 30 - 40% nhu cầu năng lượng.
3. Lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách
Lợi ích đối với trẻ
- Là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ trong 6 tháng đầu.
- Sữa mẹ dễ tiêu hóa hơn sữa công thức.
- Thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ. Giúp trẻ phát triển trí não tối ưu.
- Phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp.
- Sữa mẹ có tác dụng chống dị ứng cho trẻ.
- Dễ tiêu hóa và hấp thu.
- Sạch sẽ, luôn sẵn sàng và ở nhiệt độ phù hợp.
- Làm giảm nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Lợi ích đối với mẹ
- Cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh giúp sổ nhau, kích thích co hồi tử cung và giảm nguy cơ chảy máu sau đẻ cho mẹ.
- Cho trẻ bú ngay và thường xuyên sẽ kích thích tăng cường sản xuất sữa và phòng cương tức vú cho mẹ.
- Bú mẹ có lợi ích kinh tế cao (tiết kiệm chi phí).
- Giúp tăng cường tình cảm mẹ con.
- Giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng cho mẹ.
- Chậm có kinh và có thai lại giúp mẹ kế hoạch hóa gia đình tốt hơn.
4. Nên nuôi con bằng sữa mẹ đến khi nào?
Vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ bao lâu là nhu cầu riêng của mỗi gia đình, không có giới hạn nhất định nhưng tối thiểu phải đến khi bé được 6 tháng tuổi
5. Hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ
- Trẻ bú càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh (trong 1 giờ đầu) để kích thích mẹ tiết sữa.
- Cho trẻ bú theo nhu cầu bất kể ngày đêm.
- Bú hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu, không cần ăn thêm bất kỳ thức ăn đồ uống nào khác.
- Bú hết một bên vú rồi mới chuyển sang bên kia để đảm bảo trẻ được bú cả sữa đầu và sữa cuối.
- Thời gian trung bình mỗi bữa bú 15 – 20 phút.
- Nên cai sữa khi trẻ được 24 tháng hay lâu hơn nếu có thể.
- Khi mẹ bị bệnh, trẻ ốm, trẻ không tự bú được thì nên vắt sữa và cho trẻ ăn bằng thìa
6. Bí quyết nuôi con bằng sữa mẹ là gì?
Tư thế cho bé bú đúng cách
Giữ bé đối mặt với bạn, đầu ngang với núm vú của bạn. Sau đó, bạn có thể dùng ngón tay của mình để nâng hay điều chỉnh nhẹ nhàng cho núm vú vào miệng bé.
Khi thấy miệng bé đã mở rộng, bạn hãy cho mặt bé áp sát vào ngực, cằm chạm trước, làm sao để môi dưới và lưỡi của bé tiếp xúc với vú mẹ trước tiên. Khi bé đã ngậm được đầu vú, hãy giữ bé ở tư thế chắc chắn, ổn định sát vào ngực mẹ.
Cách ngậm bắt vú đúng
- Quầng vú ở phía trên miệng trẻ còn lại nhiều hơn quầng vú ở phía dưới.
- Miệng trẻ mở rộng.
- Môi dưới hướng ra ngoài.
- Cằm trẻ chạm vào vú mẹ.
Những dấu hiệu cho biết bé đang đói
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy bé đang đói là mút ngón tay, di chuyển tay chân liên tục, dúi đầu vào ngực người bế. Dấu hiệu cuối cùng là quấy khóc khi bé muốn bú sữa mẹ. Khi đã no, bé sẽ có một vài cử chỉ để bạn biết như mím môi, quay đầu sang hướng khác, nhè núm vú hoặc thiu thiu ngủ, bú chậm lại hoặc ngừng hẳn.
7. Các cữ bú nên kéo dài bao lâu?
Hãy để bé tự bú mẹ theo ý của riêng mình. Trong những tuần đầu tiên của cuộc đời, hầu hết trẻ sơ sinh bú ít nhất 8 - 12 lần trong 24 giờ, hoặc sau 2 - 3 giờ (tính từ thời điểm bắt đầu cho đến khi bắt đầu bú lần tiếp theo).
Nhiều trẻ sơ sinh bú sữa mẹ trong 10 - 15 phút cho một bên vú. Thậm chí, thời gian bú có thể dao động từ 60 - 120 phút một lần bú. Một số bé đòi bú cả hai bên ngay từ những ngày đầu, một số khác chỉ có nhu cầu bú mỗi lần một bên.
Trong lần tiếp theo hãy cho bé bú bên còn lại, để đảm bảo cả hai bầu vú đều được kích thích và được bú cạn thường xuyên.
8. Những loại thực phẩm nào nên ăn trong khi cho con bú?
Những lời khuyên sau đây sẽ giúp mẹ đáp ứng các mục tiêu dinh dưỡng cần thiết khi cho con bú:
- Cơ thể mẹ cần thêm khoảng 450 - 500 lượng calo mỗi ngày để tạo sữa mẹ cho bé.
- Ăn cá và hải sản 2 - 3 lần một tuần nhưng tránh ăn cá có hàm lượng thủy ngân cao: không nên ăn cá kiếm, cá thu, cá ngói hoặc cá ngừ.
- Bổ sung vitamin tổng hợp mỗi ngày
- Uống nhiều nước (đặc biệt khi thấy nước tiểu có màu vàng đậm).
9. Những khó khăn khi nuôi con bằng sữa mẹ
Không đủ sữa
Muốn tạo được nhiều sữa bà mẹ cần cho con bú sớm ngay sau khi sinh, cho trẻ bú nhiều lần, bú đúng cách để kích thích phản xạ tiết sữa và phun sữa. Nên cho trẻ bú nhiều vào ban đêm cũng là một cách để tăng cường sự tạo sữa.
Nứt núm vú
Thường do nguyên nhân trẻ ngậm bắt vú sai. Nếu trẻ ngậm bắt vú sai, trẻ sẽ kéo núm vú vào và đẩy ra trong khi mút bú, đồng thời chà xát da của núm vú với miệng trẻ.
Điều này làm cho bà mẹ rất đau, sau nhiều lần bú kiểu này, da ở núm vú sẽ bị tổn thương gây nứt núm vú. Xử trí bằng cách hướng trẻ thực hiện ngậm bắt vú đúng, triệu chứng đau sẽ giảm đi.
Cương tức vú
Nguyên nhân thường do mẹ không cho trẻ bú sớm, bú thường xuyên, ngậm bắt vú sai, hạn chế thời gian mỗi bữa bú. Xử trí bằng cách: nếu trẻ bú được thì phải cho trẻ bú thường xuyên, nếu trẻ không bú được thì phải vắt sữa bằng tay hoặc dùng bơm hút sữa. Trước khi cho bú dùng gạc ấm đắp lên vú, sau khi cho bú thì dùng gạc lạnh để giảm phù nề.
Tắc ống dẫn sữa và viêm vú
Khi ống dẫn sữa bị tắc làm sữa bị ứ trệ gây ra viêm vú, có thể viêm từ không nhiễm trùng đến viêm nhiễm trùng. Xử trí: trước hết phải cải thiện sự lưu thông ở ống dẫn sữa, sau đó tìm nguyên nhân để giải quyết, nếu sau 24 giờ các triệu chứng không giảm phải điều trị thêm bằng thuốc kháng sinh, giảm đau và nghỉ ngơi hoàn toàn.
10. Các cách chăm sóc nguồn sữa mẹ
Chế độ nghỉ ngơi, lao động của bà mẹ cho con bú
Theo kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ của nhiều người thì trong thời gian này người mẹ cần có thêm năng lượng để tạo sữa, vì vậy cần phải có nhiều thời gian để nghỉ ngơi và lao động vừa phải.
Nếu phải lao động nhiều mà ăn uống không đủ bà mẹ sẽ phải sử dụng chất dinh dưỡng dự trữ trong các mô của cơ thể để tạo sữa, sẽ dẫn tới suy dinh dưỡng cho cả mẹ lẫn con.
Chế độ dinh dưỡng của bà mẹ cho con bú
- Bà mẹ ăn uống đầy đủ sẽ có đủ sữa và chất lượng sữa tốt cho con bú. Chú ý ăn thêm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như tôm, cua, cá, trứng, sữa, thịt, đậu đỗ, lạc vừng, rau xanh và quả chín. Nên ăn nhiều bữa và ăn nhiều hơn bình thường.
- Uống nhiều nước (1,5 đến 2 lít/ngày) vì cơ thể cần nhiều nước cho sự tiết sữa.
- Không nên ăn các loại thức ăn nhiều gia vị (ớt, tiêu, hành tỏi). Không uống rượu, cà phê và hút thuốc lá.
- Chỉ dùng thuốc khi có sự hướng dẫn của cán bộ y tế
Tránh thai khi cho con bú
Sau 6 tháng tránh thai tự nhiên, người phụ nữ có thể sử dụng một biện pháp tránh thai, nhưng không nên sử dụng thuốc uống tránh thai có Estrogen. Thay vào đó, có thể sử dụng thuốc có Progesterone vì không ảnh hưởng tới quá trình tạo sữa.
Phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách sẽ tạo tiền đề tốt nhất cho sự phát triển của em bé. Vì vậy các bà mẹ nên cập nhật kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ để mang lại không chỉ lợi ích cho bé mà còn cả cho bà mẹ.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...