Đánh giá sự trưởng thành của mỗi người có thể nhìn nhận qua các mặt tình cảm, thể chất, đạo đức, xã hội và trí tuệ. Đối với trẻ, giúp con trưởng thành toàn diện về các mặt là niềm mong mỏi của nhiều bậc cha mẹ. 

Cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con phát triển toàn bộ những phẩm chất để chuẩn bị hành trang cho tuổi trưởng thành. Theo Bright Side, có những cách đơn giản nhất định cha mẹ có thể thực hành để giúp bé có cuộc sống ý nghĩa và cảm thấy tự do hơn. 

1. Giúp con phát triển sự tự lập

Hãy dạy con cách tự mặc quần áo, buộc dây giày, chuẩn bị cặp sách đi học thay vì cha mẹ làm cho con. Hãy thật kiên nhẫn đợi con thực hiện các thao tác này đến khi thành thục. Thói quen này sẽ giúp bé tự lập, chăm sóc tốt bản thân khi bố mẹ vắng nhà. 

 2. Cho trẻ có cơ hội được lựa chọn

Hãy cho con được quyền lựa chọn. Con có thể tự chọn áo quần, đồ chơi, các trò vui chơi, giải trí và những món quà tặng. Cha mẹ có thể giúp đỡ con đưa ra quyết định bằng cách đưa ra lời khuyên hoặc cùng thảo luận về sự lựa chọn tốt nhất. 

3. Để con tự đi một mình trong tầm quan sát

Khi chở con đến cổng trường, cha mẹ có thể quan sát để trẻ tự đi vào thay vì dắt con đến tận cửa lớp. Cha mẹ cũng có thể cho con tự đi một mình dạo chơi quanh nhà để bắt đầu hành trình tự lập. Hoặc cũng có thể cho con đi học nhóm với bạn để chúng thảo luận và vui chơi cùng nhau.

 4. Dạy con tự kiểm soát

Những năm đầu đời, trẻ rất dễ bộc lộ cảm xúc. Trẻ có thể hét to khi hạnh phúc hoặc khóc ầm ĩ ngay trên đường khi cha mẹ không đáp ứng yêu cầu của con. Do đó, cha mẹ cần dạy con biết chế ngự cảm xúc của bản thân. Con có thể biểu lộ cảm xúc của mình nhưng cần nhạy cảm để biết những gì đang xảy ra xung quanh. 

5. Dạy con tự giác

Cha mẹ nên dạy trẻ cách kỷ luật bản thân và thực hiện các công việc cần thiết như: Đánh răng, tự cất đồ chơi, làm bài tập về nhà. Những hoạt động này khi thực hiện thường xuyên và đều đặn sẽ trở thành thói quen, trẻ sẽ tự giác thực hiện theo kỷ luật. 

 6. Hãy để trẻ trả lời

Cần thiết để tạo cơ hội cho trẻ giao tiếp với mọi người. Khi trẻ được hỏi, hãy để tự con trả lời câu hỏi để phát triển kỹ năng trí tuệ và giao tiếp. Cha mẹ trả lời thay con sẽ khiến bé có xu hướng trở nên nhút nhát, không biết cách ứng xử khi lớn lên. 

7. Hãy giải thích cho con hiểu

Khi trẻ phạm lỗi, hãy giải thích cho con hiểu vì sao con sai, con nên làm như thế nào để tự mình rút ra bài học. Cha mẹ hãy cố gắng giữ bình tĩnh để giáo dục con thay vì quát mắng khiến bé hoảng sợ. 

8. Có thể để con mắc lỗi

Đừng bao giờ bảo bọc con quá mức. Cha mẹ đôi khi cũng nên cho con có cơ hội đối mặt với những thử thách trong cuộc sống. Con có thể sai lầm nhưng sẽ học hỏi được từ chính những sai lầm đó, giúp ích cho tương lai của con. Cha mẹ đừng quên những sai lầm, té ngã và thất vọng đều là một phần của cuộc sống.

9. Giúp con hình thành ý kiến cá nhân

Giúp con bày tỏ quan điểm sẽ tạo điều kiện cho con có chính kiến và óc phản biện về sau. Trong tương lai, trẻ sẽ biết cách thể hiện suy nghĩ của mình dựa trên sự hiểu biết của bản thân. Tố chất này hoàn toàn có ích cho con trong công việc và cuộc sống. 

10. Dạy con các kỹ năng theo từng giai đoạn

Trong mắt cha mẹ, con lúc nào cũng nhỏ bé và luôn cần được chở che. Tuy nhiên, cha mẹ "buông tay để con bay" là điều thật sự cần thiết.

Khi trẻ 3 tuổi, bạn nên từ từ cho con làm quen với một số công việc đơn giản như sắp xếp đồ chơi, học cách gấp quần áo. Khi con lớn hơn, hãy dạy con những công việc phù hợp theo lứa tuổi. Hành vi này sẽ góp phần phát triển đức tính siêu năng và kỷ luật của mọi đứa trẻ. Trẻ sẽ tự lập và trưởng thành hơn bao giờ hết.