Đầu năm nhìn mình, bao nhiêu năm ngồi gỡ rối tơ lòng cho chị em, mà thư sau hình như vẫn không mấy đổi thay so với thư trước. Một điều có vẻ mâu thuẫn: hình như phụ nữ thời trước giải quyết các vấn đề êm ả hơn, hay vì họ ít nói, ít hỏi han, bàn tán công khai, nên mình thấy vậy.
Phụ nữ hôm nay có thói quen hỏi ý kiến: hỏi chuyên gia tư vấn, hỏi trên mạng, điện thoại tâm sự… Đủ người, đủ chuyện, đủ câu hỏi để hỏi. Nhưng càng hỏi, càng nghe câu trả lời, càng khó gỡ cho suôn. Mà, phụ nữ có những mâu thuẫn rất kỳ lạ. Chừng nào họ chưa tự thấy mâu thuẫn của mình thì chẳng có chuyên gia nào gỡ được.
Mâu thuẫn xuất hiện khi người ta bắt đầu so sánh: tại sao em phải chăm sóc anh khi em cũng đi làm như anh (thậm chí em còn làm nhiều tiền hơn anh, công việc nặng hơn anh). Em cũng ngủ dậy buổi sáng, tất tả đánh thức con, cho con ăn, cho con đi học rồi đến sở làm.
Sao em lại phải chuẩn bị đồ ăn sáng cho anh? Sao phải ủi quần áo cho anh, còn phải coi mọi thứ anh mặc lên có chỉn chu, hòa hợp với nhau không nữa. Em cũng năm giờ chiều tan sở như anh, sao anh cứ thong thả về, còn em phải chạy về cho kịp nấu ăn, dọn cơm, cả nhà ăn xong phải rửa chén?
Bao nhiêu thứ vô lý. Cái lý là: em không cần phải chăm sóc anh đến thế. Nhưng mình không chăm sóc, mà có “con nào” nó xen vào chăm sóc thử xem, lộn ruột lên ngay. Ai cho con đấy được chăm sóc? Kể cả chăm sóc miễn phí cũng không được.
Anh chồng mà có “con nào” chăm sóc là anh chồng phản bội vợ, chắc như bắp rang. Chẳng biết có chị em nào thỉnh thoảng nhớ lại: thuở nào mình chăm sóc chàng, phần lớn là để thuyết phục chàng rằng, mình là người có khả năng chăm sóc, là người chàng nên lấy làm vợ, vì lấy mình thì sẽ được chăm sóc tốt thế đấy…
Phụ nữ thích được quan tâm lắm. “Em chẳng cần gì hết chỉ cần sự quan tâm, yêu thương của chồng thôi”. Nhiều cô nói thế. Anh dành hết thời gian, công sức đi làm, đem tiền về cho em, cho con, để xây tổ ấm hạnh phúc, xe cộ nhà cửa, nhưng em không cần. Em cần anh quan tâm đến vợ con hơn, em sẽ hạnh phúc hơn.
Chớ dại nghe lời các chị ấy! Anh chồng cứ thử đem ít tiền về xem, các chị sẽ nháo nhác lên, rồi thì so bì, tị nạnh, “chồng người ta” thế này thế kia, chồng em thì… Thời buổi thực dụng này, chị em lên mạng khoe ngược khoe xuôi, ai bưng tai bịt mắt mãi được. Đàn bà nhạy cảm với sự thiếu quan tâm, mong ước được quan tâm, nhưng đàn bà còn nhạy cảm hơn với sự thiếu thốn, đặc biệt là thiếu tiền. Mâu thuẫn này sâu sắc lắm!
Mâu thuẫn khổ tâm nhất, khó sửa nhất, là các chị chăm chồng như chăm con dại, rồi đến lúc chê chồng làm gì cũng không xong. Lão chồng nhà mình là một lão vô tích sự hoàn toàn. Nhờ chồng cái gì, cầm chắc là từ hư đến hỏng việc, phải đến tay mình mới xong.
Chẳng hiểu sao lại có đứa thấy chồng mình hay ho cho được! “Nó” phát hiện ra năng lực của ổng à? Thần tượng chồng mình à? Mắc bệnh cả tưởng đấy thôi. Cứ thử đi rồi biết, sẽ vỡ toang cái mộng tưởng ấy. Nhưng, bà không cho phép con nào ảo tưởng về chồng bà, cũng không cho phép con nào được “thử đi rồi biết”.
Bao giờ dẹp được hết những mâu thuẫn này, phụ nữ sẽ bớt khổ tâm, sẽ nhẹ nhàng, thảnh thơi. Nhưng đã bao lâu rồi, gỡ được mối này thì mối kia lại buộc, lại rối tinh rối mù. Thôi thì, đầu năm, lôi vài cái mâu thuẫn rối nùi ra đây, để cùng nhau lần gỡ. Biết đâu cũng có một ngày…