Hiện tượng sinh non xảy ra khi trẻ ra đời trước 37 tuần thay vì ở giữa tuần 38 - 42. Theo đó, trẻ sinh non dễ bị nhiễm trùng, đối mặt với các bệnh suy hô hấp, vàng da, rối loạn tiêu hóa, xơ hóa võng mạc, chậm tăng trưởng thể chất, dễ bị hạ thân nhiệt,...
Đồng thời, trẻ sinh non thường có sức khỏe yếu hơn trẻ bình thường, do vậy, để trẻ phát triển hoàn thiện nhất và có sức khỏe tốt nhất, bố mẹ hãy tham khảo một số nguyên nhân dưới đây nhé.
Nhau thai
Do nhau thai là "trạm trung chuyển" chất dinh dưỡng từ mẹ qua dây rốn sang thai nhi nên khi gặp các hiện tượng như: Nhau bong non, nhau tiền đạo, thiếu năng nhau,... khiến nguồn dưỡng chất của thai nhi bị ảnh hưởng khiến thai nhi sinh sớm hơn dự tính.
Ngoài ra, trường hợp mẹ bầu mang song hoặc đa thai thường có thời gian thai kỳ ít hơn người thường. Theo đó, mang thai càng nhiều thai, tỷ lệ sinh non càng cao. Bên cạnh đó, một số thai nhi dị dạng như thai vô sọ, không có thận, hay bất thường về nhiễm sắc thể, nhiễm trùng,.. dễ sinh non hơn thai bình thường.
Nước ối bất thường
Các trường hợp như: vỡ ối non, đa ối, viêm màng ối,... có thể đe dọa đến môi trường sống trong màng ối của trẻ, dẫn đến hiện tượng sinh non.
Mẹ bầu bị mắc bệnh nội khoa
Nếu mẹ bầu mắc bệnh phụ khoa, đặc biệt viêm cổ tử cung hoặc viêm âm đạo sẽ gây ra sảy thai, sinh non. Bên cạnh đó, một số bệnh khác như: Viêm gan B, viêm thận, bệnh tim, tiểu đường, viêm ruột thừa, cao huyết áp cũng dẫn đến tình trạng sinh non.
Tử cung, cổ tử cung dị dạng
Tử cung hai sừng, hình tim, có vách ngăn, tử cung kém phát triển, bị hở eo tử cung, mắc bệnh u xơ tử cung hoặc cổ tử cung ngắn, đều dễ gây ảnh hưởng đến bào thai dẫn đến tình trạng sinh non.
Từng hoặc đã mắc một số biến chứng thai kỳ
Trường hợp mẹ bầu có tiền sử sảy thai, sinh non thì dễ có nguy cơ bị lại trong lần mang thai tiếp theo. Hoặc mẹ bầu đang bị một số biến chứng thai kỳ như: Tiền sản giật, hội chứng HELLP (biến thể của tiền sản giật), ứ mật thai kỳ,... thì mẹ bầu cũng cần cẩn thận đề phòng sinh non.
Môi trường sống
Khi mang thai, sức đề kháng cũng như sức khỏe của mẹ bầu đều không ổn định nên điều kiện sống sẽ có tác động nhiều đến sự phát triển của thai nhi. Theo đó, khi mẹ bầu phải làm việc vất vả, nặng nhọc, môi trường độc hại hay không đủ dinh dưỡng cũng là nguyên nhân dẫn đến sinh non. Đặc biệt là trường hợp mẹ bầu thiếu vitamin B9.
Bên cạnh đó, những thói quen độc hại như: Hút thuốc, uống rượu, thường xuyên quan hệ tình dục không đúng cách, không đi khám thai đầy đủ,… cũng là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến sinh non. Ngoài ra, thường xuyên bị căng thẳng, stress, chịu nhiều áp lực công việc, cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone tuyến thượng thận tác động lên tử cung và ảnh hưởng tới hệ thần kinh, dẫn đến sinh non.