Các vấn đề bất thường sau phẫu thuật hậu môn trực tràng
Buồn nôn và bí tiểu
Các chuyên gia sức khỏe trên Familydoctor cho biết: Sau khi trải qua phẫu thuật hậu môn trực tràng, bệnh nhân rất dễ xuất hiện triệu chứng khó thở, buồn nôn và nôn ói. Đây vẫn là hiện tượng sinh lý bình thường và thông thường sẽ khỏi hẳn sau khi thuốc gây tê hết tác dụng.
Sau phẫu thuật, người bệnh cần nằm nghỉ trong 6 tiếng và không được ăn, sau thời gian này nên cố gắng xuống giường đi lại nhẹ nhàng. Ngoài ra, sau ca mổ thường sẽ làm ức chế chức năng phản xạ tiểu tiện, cộng với cảm giác đau đớn do vết mổ dẫn đến các cơ hoành niệu đạo và phản xạ của bàng quang gặp khó khăn và đình trệ, gây ra chứng bí tiểu.
Để cải thiện vấn đề này, người nhà có thể giúp bệnh nhân chườm nóng hoặc massage nhẹ nhàng vùng bụng dưới. Nếu quá 12 tiếng mà vẫn chưa tiểu được thì cần kịp thời thông báo với bác sĩ để được đặt ống dẫn nước tiểu.
Đau đớn do vết mổ và sốt
Sau phẫu thuật hậu môn trực tràng, nếu cảm giác đau ở mức độ nhẹ (tức là bệnh nhân chịu được) thì thuộc hiện tượng bình thường và không cần xử lý đặc thù, chỉ cần vết thương bắt đầu lành thì cơn đau sẽ giảm và biến mất.
Tuy nhiên, nếu quá đau đớn thì các bác sĩ có thể cho bạn uống thuốc giảm đau, nhất là trước khi ngủ, thay băng và tiểu tiện. Ngoài ra, có thể ngồi ngâm trong nước ấm hoặc dùng thuốc tiêu viêm đặt trong hậu môn.
Bên cạnh cảm giác đau thì trong khoảng 2 đến 3 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân cũng dễ bị sốt. Nếu thân nhiệt cao khoảng 38oC thì không cần quá lo lắng vì tình trạng này sẽ dần dần tự khỏi theo sự hồi phục của vết thương. Nhưng nếu thân nhiệt vượt quá 38oC thì nên cảnh giác vấn đề viêm nhiễm.
Phù thũng vùng lân cận vết mổ
Nếu sau phẫu thuật mà người bệnh ngồi toilet quá lâu, phân loãng do tiêu chảy hoặc số lần đại tiện quá nhiều sẽ gây tình trạng phù thủng các khu vực lân cận vết mổ. Từ đó khiến cơn đau càng kịch liệt hơn.
Trong trường hợp này, nếu phù thủng ở mức độ nhẹ thì có thể ngồi ngâm nước ấm để giảm bớt, hoặc bác sĩ sẽ kê toa thuốc rửa hoặc thoa. Nếu khối u phù thủng to và nghiêm trọng thì cần phải tiến hành tiểu phẫu cắt bỏ.
Phân bị tắc nghẽn
Sau phẫu thuật hậu môn trực tràng, nếu sau vài ngày mà bệnh nhân vẫn chưa có biểu hiện đi đại tiện dù là vì nguyên nhân gì cũng sẽ khiến phân bị tích tụ trong ruột, thậm chí là hình thành từng khối cứng, không thể thải ra ngoài bằng cách đại tiện thông thường.
Vấn đề này thường xảy ra ở người lớn tuổi nhiều hơn do cơ thể bị suy nhược, khó khăn khi đại tiện hoặc do nhu động ruột đã suy giảm, dần dần gây tắc nghẽn phân trong đường ruột. Đây là lý do các bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên hoạt động nhẹ nhàng sau ca mổ, không nên nằm hay ngồi quá lâu và tăng cường uống nước, ăn thêm thực phẩm giàu chất xơ.
Bổ sung dưỡng chất cần thiết sau phẫu thuật hậu môn trực tràng
Sau ca mổ, cơ thể có thể còn có hiện tượng xuất huyết nhẹ nên bệnh nhân được khuyên ăn nhiều rau xanh và trái cây giàu vitamin C để đạt hiệu quả cầm máu. Ngoài ra, tình trạng viêm nhiễm sau phẫu thuật có thể được hạn chế nếu bạn bổ sung thực vật kháng viêm, thanh nhiệt như cà tím, hành, ngó sen v.v…
Để vết mổ mau lành, bạn cũng cần bổ sung đầy đủ nhiệt lượng, protein, nguyên tố vi lượng và các loại vitamin. Một số thực phẩm có tác dụng bồi bổ khí huyết có thể lựa chọn như thịt, trứng, mộc nhĩ đen, táo tàu, bí đỏ, bắp cải.
Ngoài ra, thức ăn giàu chất xơ thực vật từ rau xanh, trái cây sẽ giúp việc đại tiện thuận lợi hơn, giảm bớt cảm giác đau đớn. Người bệnh cũng nên chú ý uống nhiều nước và những ngày đầu sau khi mổ có thể ăn cháo loãng để dễ tiêu hóa và bài tiết.