Những cơn gò cứng bụng là hiện tượng khá phổ biến khi mang thai hiện tượng này thường xảy ra từ cuối quý 2 đến quý 3 thai kỳ nhưng cũng có mẹ sẽ cảm nhận được rất sớm ngay từ tuần 12 trở đi. Gò bụng xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng mẹ phải nhớ, khi thấy cơn gò bụng thì "đừng dại" làm những việc dưới đây nếu không muốn sinh non.
Chạm vào bụng khi thấy cơn gò
Khi cơn gò xuất hiện nghĩa là tử cung đang co bóp và "tập" cho lần sinh thật. Nếu lúc này mà mẹ lấy tay xoa bụng sẽ kích thích các cơn gò mạnh hơn, vô tình khiến em bé bị đẩy xuống gần cổ tử cung và gây ra sinh non.
Làm chuyện vợ chồng khi có cơn gò
Theo các chuyên gia, nếu mẹ bầu khỏe mạnh thì làm chuyện ấy trong 3 tháng cuối thai kỳ là hoàn toàn an toàn. Tuy nhiên, nếu trong khi "lâm trận" mà thấy cơn gò thì mẹ nên lập tức dừng lại. Vì cơn gò đã tăng sức nén lên thành tử cung mà còn cộng thêm lực khi làm "chuyện ấy" nữa thì nguy cơ bé ra đời sớm là rất cao.
Vận động mạnh khi đang có cơn gò
Khi thấy cơn gò xuất hiện mà mẹ tiếp tục đi lại, vận động mạnh sẽ dễ dẫn đến sinh non. Do vậy, nếu thấy gò bụng, mẹ nền nằm xuống nghỉ ngơi đợi cơn gò qua đi. Trong lúc này, mẹ có thể nghe nhạc, nói chuyện với con cho tinh thần thoải mái.
Nhịn tiểu
Mẹ bầu lưu ý khi cảm thấy bụng gò cứng mà lại buồn tiểu thì nên đi tiểu ngay. Nhịn tiểu sẽ khiến bàng quang bị căng, lấn diện tích sang tử cung khiến cơn gò kéo dài hơn.
Hầu hết các cơn gò tử cung là hoàn toàn bình thường, không gây nguy hiểm cho bà bầu và sẽ hết trong vài phút. Tuy nhiên, nếu gặp trường hợp cơn gò đi cùng các dấu hiệu lạ như đau tức ngực, khó thở, đau chân, đau đầu, mẹ nên đến bệnh viện kiểm tra.
Ngoài ra, khi cơn gò diễn ra theo chu kỳ, dần tăng lên, kéo dài hơn và tần suất dồn dập hơn thì có khả năng bé đang "đòi" ra. Nếu thấy kèm các dấu hiệu khác như rỉ ối thì mẹ có thể đến bệnh viện chuẩn bị đón con được rồi.