Chân là bộ phận nằm ở vị trí dưới cùng của cơ thể chúng ta, vì vậy có rất nhiều người đã bỏ qua hoặc thờ ơ với tầm quan trọng của nó, đến mức khi bị đau thì mới để ý chăm sóc. Trên thực tế, nhiều người không biết rằng, bàn chân nhỏ bé như vậy nhưng lại có một sự liên quan lớn đến tuổi thọ của mỗi người.
Đông y cho rằng, bàn chân có thể xem là bộ phận có nhiều huyệt vị nhất trên cơ thể. Theo y học Trung Quốc, bàn chân làm cho khí huyết lưu thông, liên quan đến lục phủ ngũ tạng, thông suốt từ trong ra ngoài, vì vậy đây là bộ phận vô cùng đặc biệt trên cơ thể.
Bàn chân cũng được xem là "bộ não thứ 2" do vị trí đặc biệt quan trọng của nó. Nếu bạn muốn biết tình hình sức khỏe của mình ra sao, chỉ cần nhìn vào nhiệt độ bàn chân, màu sắc và sự thay đổi của nó là sẽ có đáp án.
1. Màu sắc bàn chân
Nhìn màu sắc đoán bệnh là một trong những nội dung quan trọng trong lý thuyết thực hành Đông y. Khái niệm ngũ sắc trong Đông y bao giồm xanh, đỏ, vàng, trắng, đen.
Theo quan niệm này của Đông y, màu sắc bàn chân được xem là bình thường nếu có màu đỏ nhạt. Nếu như khi chân có thiên hướng màu đỏ đậm thì chứng tỏ cơ thể đang có bệnh về nhiệt, nóng trong, bốc hoả.
Nếu như bàn chân màu xanh, trông bề ngoài có thiên hướng xanh xao, thì có thể cơ thể bạn đang bị bệnh về lạnh, hàn.
Nếu như bàn chân có màu vàng bất thường, có thể có bệnh về viêm gan hoặc túi mật.
Nếu như chân có màu trắng, ngoài khả năng có bệnh về hàn lạnh ra, có thể là khả năng có bệnh về mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu chất hoặc các vấn đề liên quan đến ăn uống.
Nếu bàn chân có màu thiên về tím hoặc đen, có thể có các bệnh liên quan đến tuần hoàn máu kém. Khi xuất hiện các triệu chứng như miêu tả ở trên, bạn nên kịp thời đi bệnh viện khám.
2. Nhiệt độ bàn chân
Người cao tuổi dễ mắc bệnh lạnh bàn chân, đa phần là do thận dương không đủ hoặc giữ ấm chưa tốt. Nhóm người hay bị lạnh chân thì nên ăn thêm những thực phẩm có tính ấm như thịt dê, tỏi, gừng… để nâng cao nhiệt độ và sức chịu đựng của cơ thể.
Nếu như lòng bàn chân bị nóng, có thể khả năng là cơ thể bị chứng âm hư, thiếu âm, sinh nhiệt bên trong, hay còn gọi là nóng trong. Trong tình huống này thì nên ăn thêm đậu xanh, bí xanh, thịt nạc và những món ăn có vị ngọt mát, nhuận âm. Hạn chế ăn thịt dê, rau hẹ, ớt cay và các thực phẩm có tính nóng khác.
3. Móng chân
Thông thường, những người khỏe mạnh thường sở hữu bộ móng chân hồng hào, sạch sẽ, trên móng chân có quầng móng hình bán nguyệt đầy đủ, có độ dài khoảng bằng 1/5 chiều dài móng chân.
Nếu bạn tự phát hiện thấy móng chân của mình gần như có màu trắng, không hề thấy bóng dáng màu đỏ hồng của máu thì hãy nên cân nhắc đến phương án có phải bạn đang bị mất cân bằng dinh dưỡng hay thiếu máu không. Trong trường hợp này, bạn nên chú ý ăn uống đầy đủ, đảm bảo lượng calo cần thiết mà cơ thể cần trong ngày.
Nếu móng chân của bạn có các sọc dọc, nó thể hiện sự yếu ớt của cơ thể, khả năng đề kháng với bệnh tật kém. Trong trường hợp này, bạn nên tham gia tập thể dục, tránh đứng ngồi quá lâu mà ít vận động, phải chú ý làm cho cơ thể trở nên khỏe mạnh hơn.
Theo giáo sư Lưu Chinh Đường, Trung tâm Bệnh Lão khoa, Bệnh viện Tây Uyển, Học viện y khoa Trung Y Trung Quốc, người cao tuổi có thể chăm sóc sức khỏe cơ thể và giúp cho bản thân khỏe mạnh hơn thông qua việc xoa bóp, mát xa chân và các ngón chân.
Tư thế ngồi hoặc đứng, chân bám vào mặt sàn, mở rộng chân bằng vai, để ngón chân bám chặt vào mặt đất, cơ thể thư giãn kết hợp giống như kiểu dán chân vào sàn rồi lại nhả ra. Cách làm này sẽ kích thích kinh lạc.
Một cách khác là dùng các ngón chân để cặp vào các đồ vật, sau đó thả lỏng ra, kết hợp động tác lặp lại như vậy, để kích thích các mạch hoạt động, tiếp tục tập động tác đập chân theo nhịp kiểu ngón chân chúi xuống thì nâng gót cao lên, khi hạ gót xuống đất thì giơ cao các ngón lên.
Những việc này nên kết hợp với xoa bóp bàn chân và các ngón chân, tác động nhiều đến các huyệt thì cơ thể sẽ nhận được những lợi ích, càng ngày càng trở nên khỏe mạnh hơn.