1. Một mình không cô đơn
Các nhà nghiên cứu đã nhiều lần phát hiện ra rằng giao tiếp xã hội là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hạnh phúc của con người. Đối với nhiều người, cảm giác một mình rất dễ chuyển thành cảm giác cô đơn và lạc lõng. Vậy cô đơn có phải là một trải nghiệm tiêu cực không? Bạn có thể biến khoảng thời gian một mình trở nên hạnh phúc hơn không?
Martin Lynch, Sergey Ishanov và Dmitry Leontiev, nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga đã nghiên cứu về hiện tượng cô đơn tích cực. Đây là trạng thái mà người sở hữu tìm cách sử dụng thời gian một mình để chiêm nghiệm, suy ngẫm hoặc sáng tạo thay vì thấy cô đơn hay trải nghiệm tiêu cực.
Những người trải qua sự cô đơn tích cực có xu hướng trải nghiệm những cảm xúc tích cực hơn, như sự thư giãn và bình tĩnh. Theo nghiên cứu của Leontiev, khi những người ở một mình, họ sẽ thấy thoải mái hơn thay vì trống rỗng.
Vậy kiểu người nào có thể tận hưởng khoảng thời gian một mình như vậy? Đó là những người trưởng thành về cảm xúc, tâm lý hoặc sống nội tâm hơn.
Nếu bạn không có những phẩm chất đó, bạn có thể dành cho mình một khoảng thời gian để làm những điều mình thích hoặc dành thời gian một mình trong một môi trường tự nhiên yên bình và thân thiện. Khi đó, bạn sẽ cảm nhận được nhiều lợi ích hơn khi phải ở một mình.
2. Cảm giác tràn đầy năng lượng
Cuộc khảo sát được các nhà nghiên cứu sử dụng để đo lường mức độ cảm xúc tích cực bao gồm câu nói: “Tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng”. Điều đó nghe không giống những cách biểu hiện cảm xúc và tâm trạng phổ biến. Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những người có cảm xúc tích cực khỏe mạnh hơn. Họ có hệ thống miễn dịch tốt hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, sống lâu hơn.
Vậy còn cảm giác "tràn đầy năng lượng" có vai trò gì đối với sức khỏe và hạnh phúc? Theo phân tích của nhà nghiên cứu Sarah Pressman và các đồng nghiệp, đây là một vấn đề quan trọng. Cảm giác này và những cảm xúc tích cực có liên quan chặt chẽ đến các thước đo sức khỏe khác nhau. Đối với nam giới, cảm thấy tràn đầy sinh lực là một biểu hiện của cảm xúc tích cực và còn dự đoán về khả năng sống thọ của họ. Bạn sẽ hạnh phúc hơn mỗi ngày khi cảm thấy tràn đầy năng lượng.
3. Nghĩ về tương lai và theo đuổi ước mơ của bạn
Khi theo đuổi hạnh phúc, chúng ta thường nghĩ về tương lai và những viễn cảnh của ngày mai tươi đẹp. Ngay cả khi những mường tượng đó không phải lúc nào cũng đúng nhưng hành động đơn giản khi nghĩ về tương lai có thể là chìa khóa dẫn bạn đến hạnh phúc.
Theo nhà tâm lý học xã hội Roy Baumeister, những người vui vẻ và lạc quan có xu hướng nghĩ về tương lai nhiều hơn những người ít lạc quan. Suy nghĩ về tương lai có thể theo 2 hướng: Ứớc mơ và tưởng tượng đến ngày đạt kết quả; Trở lại thực tế và đưa ra những kế hoạch cụ thể.
Nghĩ về tương lai còn rất hữu ích cho các mối quan hệ xã hội. Nghiên cứu cho thấy rằng những người có xu hướng hay nghĩ về tương lai sẽ phát triển các mục tiêu cụ thể hơn. Nếu một người có xung đột với nửa kia, bằng việc nghĩ về mối quan hệ trong những năm tháng sau này, họ có xu hướng bao dung hơn, dễ tha thứ hơn thay vì đổ lỗi và hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên, khi bạn luôn nghĩ về tương lai đen tối với nhiều khó khăn, đen đủi, bạn thậm chí có thể rơi vào trầm cảm, tự tạo ra lo lắng cho bản thân. Hãy nghĩ về những điều tích cực, ước mơ lớn của bạn và từng bước hiện thực hóa chúng.