HPV là virus lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất thế giới. Nó là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung, sùi mào gà và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
Tuy rất phổ biến nhưng nhiều người lại có kiến thức sai lệch về virus HPV, khiến cho việc phòng ngừa và điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn. Dưới đây là 10 hiểu lầm phổ biến nhất về loại virus này.
1. Virus HPV không phổ biến
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), virus HPV phổ biến đến mức, hầu như tất cả phụ nữ và nam giới có hoạt động tình dục đều có nguy cơ mắc bệnh này tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời.
Gần như tất cả những người có quan hệ tình dục đều bị phơi nhiễm virus HPV ít nhất một lần, với các chủng loại khác nhau. Do đó, bạn đừng bao giờ nghĩ virut HPV không phổ biến và không thể xảy ra với mình. Tốt nhất hãy đến các cơ sở y tế để kiểm tra.
2. Chỉ có một chủng loại virus HPV
Thực tế, có hơn 100 chủng loại virus HPV. Theo ông Tim Lahey, phó giáo sư Trường Y khoa Geisel, Đại học Dartmouth cho biết: “Không phải chủng loại HPV nào cũng nguy hiểm, có những loại hoàn toàn lành mạnh. HPV 6 và HPV 11 là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh sùi mào gà. Trong khi đó, HPV 16 và HPV 18 là nguyên nhân của ung thư cổ tử cung. Các chủng 16, 18, 31 và 33 dễ gây ra ung thư hơn các chủng còn lại”.
3. Chỉ có phụ nữ mới nhiễm virus HPV
Tất cả những người có hoạt động tình dục đều có nguy cơ nhiễm virus HPV, không chỉ đối với phụ nữ và thậm chí kể cả khi họ chỉ có một bạn tình.
Không giống bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, nam giới có thể bị ung thư hậu môn gây ra bởi virus HPV, hoặc ung thư thực quản lây truyền qua tình dục bằng miệng.
4. Không thể chữa khỏi hoàn toàn HPV
Thực tế, chính hệ miễn dịch của chúng ta có thể loại bỏ virus HPV. Tuy nhiên, nếu bạn mắc phải chủng HPV nguy hiểm khiến cho hệ thống miễn dịch bị suy yếu, khả năng nhiễm bệnh và gây ra ung thư sẽ cao hơn.
5. Không cần thiết tiêm vắc-xin HPV
Mỗi năm có khoảng 12.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung gây ra bởi virus HPV, và khoảng 4.000 phụ nữ chết do bệnh này.
Hiện nay, có 3 loại vắc-xin phòng ngừa HPV gây ra ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, vắc-xin này có hiệu quả nhất khi được tiêm trước khi có quan hệ tình dục hoặc trước khi có tiếp xúc với virus HPV. Vắc-xin này được khuyến cáo nên tiêm cho các bé gái từ 11-12 tuổi. Bé gái 9 tuổi cũng đã có thể tiêm loại vắc-xin này.
6. Chỉ phụ nữ mới cần tiêm chủng HPV
Quan niệm này là hoàn toàn sai lầm, bởi virus HPV có thể nhiễm ở cả nam giới và phụ nữ. Do đó, nam giới cũng cần được phòng ngừa HPV, một là để không bị nhiễm virus HPV, hai là để không lây truyền cho bạn tình.
7. Có thể phòng ngừa virus HPV bất cứ lúc nào trong đời
Như đã nói ở trên, vắc-xin chỉ hoạt động khi nó được tiêm trước khi có quan hệ tình dục hoặc trước khi nhiễm virus HPV. Phó tiến sĩ Lahey nói: “Nếu ai đó bị nhiễm virus HPV rồi mới tiêm vắc-xin thì nó chẳng có tác dụng gì cả”. Đó là lý do vì sao trẻ vị thành niên từ 11 tuổi được khuyến cáo nên tiêm ngừa HPV.
8. Chỉ có thể nhiễm virus HPV khi làm "chuyện ấy" với nhiều người
Suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Thực tế chứng minh, có những người chỉ quan hệ với một người nhưng vẫn bị mắc ung thư cổ tử cung.
Virus HPV không chỉ lây truyền qua đường tình dục mà còn có thể lây nhiễm qua sự tiếp xúc da, quan hệ đường miệng, hậu môn… Ngay cả bao cao su cũng chỉ làm giảm nguy cơ nhiễm virus HPV chứ không hoàn toàn tránh được nếu có sự tiếp xúc da.
Do đó, ngay cả những người chỉ quan hệ tình dục với một người hoặc thậm chí không quan hệ tình dục vẫn có nguy cơ nhiễm virus này.
9. Những người nhiễm virus HPV luôn có triệu chứng
Sự thật thì phần lớn những người nhiễm virus HPV không có bất kỳ triệu chứng nào. Theo CDC, khoảng 90% các trường hợp nhiễm virus HPV, hệ miễn dịch của họ sẽ đẩy lùi virus này trong vòng 2 năm. Cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe là đi kiểm tra sớm và thường xuyên.
10. Nam giới có thể sàng lọc virus HPV
Virus HPV có thể được chẩn đoán ở phụ nữ bằng việc sử dụng test PAP. Tuy nhiên, xét nghiệm này không được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn để sàng lọc virus HPV ở nam giới.