Đỗ đại học khi mới 10 tuổi
Trương Di Văn sinh năm 2007 tại thành phố Thương Khẩu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Vì cả bố và mẹ đều làm giáo viên nên từ nhỏ cô đã được cha cho học chữ từ sáng đến tối. Năm 4 tuổi, cô đã có thể nhận biết 2.000 mặt chữ Hán, vượt xa sự hiểu biết của các bạn cùng trang lứa.
Khi con gái đến tuổi đi học, cha cô không tìm được ngôi trường có chất lượng đào tạo ưng ý nên đã quyết định tự dạy con ở nhà. Ông còn tự mở trường tư thục Shengtong để cùng vợ dạy kiến thức cho con và những đứa trẻ khác.
Hàng ngày, Di Văn đều phải thức dậy từ 5 giờ sáng để học bài. Sau khi ăn trưa, cô nghỉ ngơi 1 tiếng trước khi bắt đầu giờ học buổi chiều. Việc học của cô kết thúc lúc 10 giờ tối. Dưới phương pháp dạy con nghiêm khắc và sự quản lý chặt chẽ, chỉ sau 5 năm, Trương Di Văn hoàn thành chương trình Tiểu học, THCS và THPT, trong khi người bình thường phải mất hơn 10 năm.
Sau một thời gian đào tạo, cha của Trương Di Văn đăng ký cho con thi tuyển sinh đại học khi cô bé mới 9 tuổi. Kết quả năm đó của cô bé không mấy khả quan với 46 điểm tiếng Trung, 31 điểm môn toán, 37 điểm ngoại ngữ và điểm toàn diện là 58, tổng số điểm là 172.
Không từ bỏ ý định, gia đình này gửi con đến lò ôn tập để thi lại năm sau. Năm 2017, cô tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học lần 2, đạt 352/750 điểm. Trương Di Văn vừa đủ điểm đỗ vào Học viện Công nghệ Thương Khâu, chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật và Thông tin Điện tử.
Trương Di Văn thành sinh viên đại học khi 10 tuổi.
Thông tin cô bé 10 tuổi trúng tuyển đại học thời điểm đó đã trở thành đề tài được nhiều quan tâm. Bên cạnh sự ngưỡng mộ, nhiều người cho rằng phương pháp dạy con của cha mẹ Trương Di Văn khiến cô bé trở thành “thần đồng chín ép” chứ không thực sự tài giỏi.
Trước những lời bàn tán, hoài nghi, cha Trương Di Văn luôn tỏ ra bình tĩnh. Người đàn ông này nói rằng bản thân đã hoạch định sẵn cuộc đời cho con gái 10 tuổi vào đại học, 20 tuổi hoàn thành chương trình học tiến sĩ.
Cuộc sống chật vật vì "chín ép"
Tưởng như cuộc đời của Trương Di Văn sẽ sáng lạn như kế hoạch mà cha cô bé đề ra nhưng sự thật lại hoàn toàn trái ngược.
Ở độ tuổi lẽ ra phải học tiểu học, Trương Di Văn lại vào đại học. Khi học quân sự cùng các bạn, cô bé 10 tuổi được đánh giá là gầy gò và lạc lõng so với các học sinh khác.
Khoảng cách độ tuổi khiến cô bé lạc lõng khi học đại học.
Trên thực tế, do học ở nhà lâu và không tiếp xúc nhiều với bạn bè đồng trang lứa nên cuộc sống đại học của Trương Di Văn cũng gặp nhiều khó khăn. Việc giao tiếp với những người lớn tuổi hơn mình bị cản trở và không có một người bạn đúng nghĩa, cô bé luôn tự ti và sợ hãi mỗi khi đến lớp.
Trước đây, để nhanh chóng đạt được mục tiêu cho con gái vào đại học, cha cô chỉ cho con học kiến thức các môn tự nhiên và không cho cô bé tiếp xúc với các kiến thức môn xã hội như lịch sử, chính trị, địa lý. Vì kiến thức cơ bản của cô không vững, thường cảm thấy bồn chồn vì không thể theo kịp nhịp giảng dạy của giáo viên đại học.
Năm thứ 2, do không phù hợp với chuyên ngành ban đầu nên Di Văn đã chuyển sang ngành thiết kế hoạt hình theo sở thích cá nhân. Tháng 7/2020, cô tốt nghiệp Học viện Công nghệ Thương Khâu với số điểm trung bình.
Tốt nghiệp đại học ở năm 13 tuổi, cô bé không thể đi làm cho bất kỳ công ty nào vì chưa đủ tuổi lao động. Theo kế hoạch, sau khi tốt nghiệp, cô sẽ học lên thạc sĩ nhưng chuyên ngành liên quan đến máy tính phải thi Toán và Anh. Trong khi đó, Di Văn học yếu 2 môn này nên chưa thể vượt qua kỳ thi sau đại học.
Không có sự lựa chọn nào khác, cô chỉ có thể tới làm trợ giảng ở trường tư thục của cha mình với mức lương 1.500 NDT/tháng (khoảng 5 triệu đồng).
Hiện Trương Di Văn đang làm trợ giảng tại trường của cha.
Hiện tại ở tuổi 16, Di Văn trở nên nổi loạn, lầm lì và thường đổ lỗi cho bố đã áp đặt cô tuân theo phương pháp dạy con sai lầm của ông. Di Văn nói mình hoàn toàn mất đi hạnh phúc đáng lẽ phải có trong thời thơ ấu nhưng cha cô không bao giờ quan tâm đến những cảm xúc này của con.
Dù vậy, người cha vẫn đang vạch ra một kế hoạch mới cho cậu con trai 10 tuổi - em trai của Di Văn. Khác với người chị của mình, cậu em trai phải hoàn thành phổ thông trong ba năm, 13 tuổi sẽ đỗ vào Đại học giao thông ở Tây An, Trung Quốc. Người cha này luôn tin tưởng, kế hoạch giáo dục đốt cháy giai đoạn của mình sẽ mang lại những thành tựu đáng tự hào cho các con.
Chắc hẳn cha mẹ nào cũng muốn con cái thành công. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa họ có quyền biến đứa trẻ thành “công cụ” thực hiện tham vọng của bản thân. Trên thực tế, sự trưởng thành của học sinh không chỉ bao gồm việc mở rộng kiến thức mà còn ở quá trình giao tiếp với bạn học, giáo viên và xã hội.
Cha mẹ rút ngắn quá trình học tập của con vì điểm cao, tưởng chừng như tiết kiệm thời gian nhưng thực chất lại làm giảm sự phát triển cần thiết. Càng đến giai đoạn học tập sau này, khuyết điểm của trẻ càng lộ rõ, không những không theo kịp việc học mà còn rất dễ gặp khó khăn trong giao tiếp giữa các cá nhân. Trong khi đó, kỹ năng mềm là một phần quan trọng trong cuộc sống và công việc sau này.