Phụ Nữ Sức Khỏe

Cẩm nang chăm sóc bệnh ngoài da ở trẻ nhỏ, các mẹ nuôi con cần phải nằm lòng

Với sức đề kháng còn non yếu, làn da sơ sinh mỏng manh dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Các bệnh ngoài da xuất hiện ở trẻ sơ sinh là điều hiển nhiên bởi đây có thể xem là cách cơ thể trẻ phản ứng với môi trường bên ngoài.

Tình trạng có thể không phức tạp, nhanh chóng biến mất ở một số trẻ, nhưng cũng có trường hợp kéo dài, ảnh hưởng đến sự phát triển đầu đời của trẻ nếu bố mẹ áp dụng biện pháp chăm sóc không phù hợp. Đặc biệt là khi cơ địa trẻ sơ sinh đổ nhiều mồ hôi trộm khiến các vấn đề về da của thiên thần nhỏ càng trở nên nghiêm trọng, qua đó càng tạo gánh nặng trong giai đoạn đầu hành trình chăm sóc con của các ông bố bà mẹ.

benh ngoai da 1
Trẻ sơ sinh thường mắc các bệnh ngoài da, tuy là bệnh thường nhưng nếu chăm sai cách sẽ dẫn đến nguy hiểm cho trẻ - Ảnh: Internet

Theo BS CK1 Nguyễn Cát Phương Vũ (Khoa HSTC CĐ – BV Nhi Đồng Thành Phố), để tránh tình trạng các bệnh lý ngoài da kéo dài ảnh hưởng không tốt đến trẻ, các bố mẹ bỉm nên lưu ý nguyên nhân và cách điều trị của một số bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh.

Rôm sảy

Cũng theo BS CK1 Nguyễn Cát Phương Vũ (Khoa HSTC CĐ – BV Nhi Đồng Thành Phố), rôm sảy là những nốt nổi mẩn đỏ to như đầu kim, hình tròn hoặc lấm tấm, đầu rôm có một chút nước, đỏ ở xung quanh và thường mọc ở đầu, cổ, ngực, lưng... Những vị trí rôm mọc dày thường có màu đỏ, ngứa và có cảm giác nóng rát, khiến trẻ sơ sinh khó chịu, quấy khóc nhiều.

Khi trẻ bị rôm sảy, mẹ nên cho trẻ mặc các trang phục, bỉm, tã,…mỏng nhẹ rộng rãi, thấm hút tốt. Tránh các loại vải thô cứng có thể gây kích ứng da cho trẻ. Tắm bé bằng nước mát hằng ngày và nên để bé tự do nằm, ngồi chơi trong căn phòng mát. Vào ngày nóng cũng tránh ôm ấp bé liên lục. Nếu phát hiện thấy có dấu hiệu nhiễm trùng, bênh nặng, bé quấy khóc, nóng sốt, nên nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ.

benh ngoai da 2
Với làn da nhạy cảm của bé, bố mẹ nên chọn trang phục rộng rãi, thoáng mát, mềm mịn, thấm hút tốt - Ảnh: Internet

Mụn sữa, nang kê

Các nốt mụn có thể nổi ở mọi vị trí, thường hay gặp nhất ở mặt. Các mẹ có thể dễ dàng nhận biết biểu hiện là các sẩn nhỏ màu trắng, rải rác hoặc tập trung thành đám trên da, sẩn màu đỏ hồng trên có mụn nước nhỏ, đôi khi mụn mủ trắng xen lẫn ở vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, mũi, trán.

benh ngoai da 4
Không nên chạm tay hay tùy ý bôi kem vào các đốm mụn của bé - Ảnh: Internet

Trong thời gian bé bị mọc mụn sữa, không nên bôi kem, thuốc hay chạm tay vào đốm mụn. Tắm bé hằng ngày với nước ấm thích hợp, dùng sữa tắm dịu nhẹ thân thiện với da bé, lau khô người bằng khăn mềm sau khi tắm. Các loại chăn, ga, gối, đệm, quần áo của trẻ đều phải được chọn chất liệu cotton khô thoáng, mềm mịn thân thiện với da trẻ để tránh gây kích ứng. Không để nhiệt độ phòng quá nóng hay quá lạnh, không nên mặc nhiều quần áo quấn kín trẻ. Ngoài ra, mẹ cho con bú nên hạn chế ăn các loại thực phẩm gây dị ứng như trứng, đậu nành, đậu phộng, hải sản, các món cay nóng,…

Chàm sữa

Là bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ. Biểu hiện là vùng da khô và ửng đỏ, dần dần trở nên sần sùi, ngứa, bong tróc da. Thường xuất hiện ở hai bên má của trẻ, có thể ở chây tay và lan rộng lên cơ thể. Các nốt mẩn đỏ li ti khi biến thành mụn nước khiến trẻ sơ sinh ngứa ngáy, khó chịu, sau các mụn nước có thể đóng thành vảy, sờ vào thấy thô ráp. Nguyên nhân có thể kể đến như: di truyền từ cha mẹ (dị ứng da, thời tiết), cơ địa dị ứng, trẻ tiếp xúc với các tác nhân ô nhiễm từ môi trường (chất tẩy rửa, vật nuôi, khói bụi...), dị ứng với sự thay đổi của thời tiết (khô và nóng ẩm)...

benh ngoai da 5
Tắm cho trẻ hằng ngày với sữa tắm dịu nhẹ khi bé bị chàm - Ảnh: Internet

Khi trẻ xuất hiện chàm, cần tắm vệ sinh cho trẻ hằng ngày, không dùng xà phòng gây kích ứng da, lau khô người bé. Bôi kem cấp ẩm hàng ngày để làm mềm da khắp cơ thể, kết hợp bôi thuốc chống viêm tại vết chàm theo chỉ định của bác sĩ.

Viêm da tiết bã

Thường xuất hiện ở da đầu hay vùng da tiết nhiều bã nhờn như sau tai, dưới lông mày, mũi, nách, bẹn những vảy nhờn có màu vàng hoặc trắng, những mảng tróc như gàu dạng khô hay nhờn, nhưng không gây ngứa hay khó chịu cho trẻ. Dân gian thường gọi là cứt trâu. Nguyên nhân do nấm Malassezia hoặc hormone làm tăng tiết chất nhờn ở nang lông.

Cần gội đầu thường xuyên bằng dầu gội cho trẻ sơ sinh, dùng tay xoa nhẹ nhàng, không chà mạnh, không dùng dầu gội trị gàu của người lớn tránh gây tổn thương da trẻ.

benh ngoai da 6
Mọi việc trong chăm sóc trẻ sơ sinh cần phải thật nhẹ nhàng - Ảnh: Internet

Ngoài ra, mồ hôi trộm còn khiến các vấn đề về da ở trẻ sơ sinh càng thêm nghiêm trọng. Theo các chuyên gia, mồ hôi chứa rất nhiều những chất khác nhau như các loại muối, urea, lactic acid, các peptide kháng khuẩn, histamine, đặc biệt là chứa các enzyme protease. Chính vì vậy, mồ hôi đổ nhiều và ứ đọng trên da của thiên thần nhỏ khiến cho các vấn đề ngoài da của bé càng thêm nghiêm trọng. Bố mẹ nên thường xuyên thấm mồ hôi cho bé, đặc biệt là vùng lưng và bụng. Giữ cho trẻ luôn sạch sẽ, thoáng mát.

Bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cũng khuyến cáo các bố mẹ khi chăm trẻ cần giữ gìn vệ sinh cho bé, tắm hàng ngày, giữ cơ thể bé sạch sẽ thoáng mát. Chỉ sử dụng các loại xà phòng dịu nhẹ, phù hợp với da sơ sinh, không có chất kích ứng.

Trong quá trình tắm trẻ, không chà mạnh vào các vùng da đang gặp vấn đề của con. Đồng thời, chỉ nên dùng các loại khăn, quần áo bằng chất liệu cotton thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt, cần tránh các loại quần áo nhuộm màu tổng hợp gây kích ứng da. Quần áo, khăn, chăn mền, đệm lót... của trẻ phải được giặt sạch và phơi khô, sau đó cất giữ trong ngăn tủ dành riêng cho đồ sơ sinh.

Nhân Tâm (TH)